Từ trái sang: Ủy viên mở rộng EU Marta Kos, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Đại diện EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas tại Kiev ngày 1/12. (Nguồn: Reuters) |
Theo hãng thông tấn AFP, trong chuyến thăm chính thức Kiev, các lãnh đạo cấp cao EU đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, khối này sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến khi giành được chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.
Đại diện EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn Ukraine chiến thắng cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được điều đó".
Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khi thảo luận về thông tin một số nước phương Tây có thể gửi quân đến Ukraine, trong đó có tuyên bố từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Kallas cho rằng, không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào và cần duy trì sự mơ hồ chiến lược trong thời điểm này.
Bà cũng đề xuất rằng, châu Âu có thể đóng vai trò giám sát lệnh ngừng bắn sau khi xung đột kết thúc.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky tuyên bố, Ukraine sẽ không yêu cầu các đồng minh gửi quân đến, mặc dù nước này rất cần sự hỗ trợ, bởi nếu yêu cầu binh lính, có thể một nửa số đồng minh sẽ ngừng hỗ trợ.
Ông cũng khẳng định rằng, lời mời tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ukraine, nhưng đồng ý rằng các đảm bảo an ninh của liên minnh quân sự sẽ không áp dụng cho các lãnh thổ do Nga chiếm đóng trong thời gian xung đột.
Theo nhà lãnh đạo, vẫn còn thời gian để Mỹ thuyết phục các nước châu Âu rằng, Ukraine nên gia nhập NATO, điều này là cần thiết cho sự tồn vong của đất nước.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh gần đây, Tổng thống Zelensky đã thừa nhận rằng nước này có thể từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lấy việc gia nhập NATO, với hy vọng có thể khôi phục lại các lãnh thổ đó qua các kênh ngoại giao.
Về phần mình, trong chuyến thăm Kiev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của EU với Ukraine trong việc đối phó cuộc xung đột.
EU sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính thường xuyên cho Ukraine, với mức 1,5 tỷ Euro mỗi tháng bắt đầu từ năm 2025. Nguồn vốn này sẽ được lấy từ tài sản của Nga đã bị EU đóng băng. Số tiền này sẽ được sử dụng linh hoạt, bao gồm cả mục đích quân sự, nhằm giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ và phục hồi.
Quyết định này đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho cuộc chiến chống lại chính nước này. Ngoài ra, EU cũng thông báo sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow nhằm làm suy yếu nền kinh tế của nước này và khả năng duy trì cuộc chiến.
Việc các nhà lãnh đạo EU đến thăm Ukraine ngay sau khi nhậm chức thể hiện sự ưu tiên hàng đầu của khối này trong việc hỗ trợ Kive, đồng thời tăng cường sự đoàn kết giữa EU và Ukraine trước những thách thức chung.