Trang web của EC đăng tải chi tiết một số rào cản còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề xuất của các nước thành viên Mercosur gồm Brazil, Uruguay và Paraguay, đồng thời tóm tắt kết quả vòng đàm phán hồi tháng Ba vừa qua giữa hai bên.
Tại cuộc họp, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các đề xuất liên quan đến chủ đề thương mại và phát triển ổn định, tính minh bạch, việc tiếp cận nguồn năng lượng và nguyên liệu thô, hàng rào kỹ thuật về thương mại, các quy định về hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu ô tô, rượu và nhiều mặt hàng khác giữa hai khối. EC cho biết, với nhiều cuộc họp của 15 nhóm làm việc, vòng đàm phán lần này giúp hai bên hợp nhất các đề xuất trong các văn bản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: eubrasil) |
EU và Mercosur đã đạt được thỏa thuận về tiến trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu, xóa bỏ thuế quan, điều khoản chống gian lận, cũng như những tiến bộ về nội dung liên quan tới lĩnh vực hàng hóa tái sản xuất, hải quan và tạo điều kiện thương mại cho các nước thành viên... Hai khối nhất trí xây dựng một nghị định thư về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hành chính.
Bên cạnh đó, đại diện hai khối đã trao đổi sáng kiến về các điều khoản trong việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiến trình đánh giá về sự phù hợp, tính minh bạch và giám sát thị trường. Hai bên đã đi đến thống nhất được 7 chương về các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật, dù chủ đề này vẫn còn nhiều tồn đọng. Ngoài ra, các lĩnh vực như mua sắm công, chuyển dịch vốn, dịch vụ tài chính, bưu chính, viễn thông và vận tải biển quốc tế cũng được thảo luận.
Về lĩnh vực thương mại hàng hóa, Mercosur nhận định, khó có thể chấp nhận một văn bản riêng về nông nghiệp như EU đề xuất. Nông dân châu Âu vẫn còn quan ngại về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mercosur, đặc biệt là của Brazil - quốc gia xuất khẩu thịt bò và thịt gà lớn nhất thế giới. Ngoài ra, đại diện hai khối cũng chưa đạt được đồng thuận về các đề xuất của Mercosur liên quan đến hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).
Liên quan đến các quy định về xuất xứ hàng hóa, trong khi EU đưa ra một văn bản mới về tự chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa, thì Mercosur cho rằng vấn đề này không thể phê duyệt vì gây bất lợi cho các đối tác Mỹ Latinh.
Đàm phán giữa Mercosur và EU đã được khởi động từ những năm 1990 nhưng cho tới nay vẫn chưa có tiến triển. Năm 2010, đàm phán đã được khởi động lại sau 6 năm bế tắc nhưng diễn biến rất chậm. Phía EU cho rằng đàm phán gặp khó khăn bởi những đòi hỏi của các nước Nam Mỹ.
Theo dự kiến trước đây, nhiều mặt hàng lẽ ra không bị áp thuế từ năm 2014, song cho tới nay điều này chưa được thực thi. Tại châu Âu, Pháp không quan tâm nhiều tới FTA với Mercosur vì muốn bảo hộ ngành nông nghiệp. Vào tháng Bảy tới, EU và Mercosur sẽ tiếp tục đàm phán FTA tại Bỉ.