Lao động tại nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất nhìn chung có thu nhập thấp, không ổn định. (Ảnh minh họa - VCMedia) |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Xác định các biện pháp hỗ trợ người lao động thu nhập thấp trong các cơ sở sản xuất, nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu sang EU” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp tổ chức ngày 19/1 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) .
Tham dự Hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, đại diện của cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Liên đoàn Lao động, các đại diện doanh nghiệp, các nghiên cứu viên, giảng viên của một số viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và TP. Cần Thơ.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Báo cáo “Kết quả khảo sát xác định các biện pháp hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp trong các nhà máy/cơ sở cung cấp nguyên liệu thô phục vụ chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.
Trước đó, dự án EU-MUTRAP đã hỗ trợ Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu tại các địa phương Phú Thọ, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Vĩnh Long - những tỉnh có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu.
Nội dung khảo sát tập trung vào thực trạng việc làm, thu nhập, bảo hiểm, điều kiện sống cũng như việc áp dụng, tiếp cận chính sách đối với của người lao động có thu nhập thấp. Cuộc khảo sát nhằm làm rõ các kết quả, hạn chế cũng như những điểm còn bất cập trong các biện pháp hỗ trợ đối với nhóm lao động này và đưa ra những kiến nghị phù hợp trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ họ, qua đó góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trình bày các kết quả khảo sát và nghe các ý kiến đóng góp của đại diện một số đơn vị: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tôn Đức Thắng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động của các tỉnh Khánh Hòa, TP Cần Thơ.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngày 2/12/2015, Việt Nam và EU đã chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại cho cả hai bên.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung chủ yếu vào các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như hàng điện tử, máy điện thoại lắp ráp, giày dép, hàng may mặc và dệt may, cà phê, thủy sản, đá và đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên, lao động phục vụ trong các ngành xuất khẩu, đặc biệt là lao động thuộc vùng cung cấp nguyên liệu thô, lại chủ yếu là lao động nông thôn, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, sản phẩm luôn có nguy cơ rủi ro, do phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thời tiết, cạnh tranh về giá cả, về thị trường tiêu thụ.
Do vậy, lao động ở khu vực này, kể cả lao động trồng nguyên liệu và lao động tại các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu nhìn chung có thu nhập thấp và không ổn định, dễ gặp các cú sốc và rủi ro.
Dù Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ đối với những người lao động có thu nhập thấp nhưng vẫn chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ người lao động phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường quan trọng và cao cấp như EU.
Các bình luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo là cơ sở để Viện Khoa học Lao động và Xã hội cùng Dự án EU-MUTRAP hoàn thiện báo cáo khảo sát, đề xuất các khuyến nghị về chính sách hỗ trợ lao động thu nhập thấp trong các nhà máy/cơ sở cung cấp nguyên liệu thô phục vụ chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.