Herakles mainomenos là bi kịch cổ Hy Lạp, có tính chất chính trị, đề cao thành Athênai, được coi là nơi dung thân của những người khốn cùng và những kẻ lưu vong. Herakles là một lực sĩ gốc thần minh, từ âm phủ trở về để cứu gia đình bị bạo chúa Lykos hãm hại. Chàng giết chết Lykos, nhưng bị điên, giết vợ con. Tỉnh lại, chàng đau khổ, tuyệt vọng, nhưng được vua Theseus cứu.
Elektra là bi kịch cổ Hy Lạp, cũng đề cập đến một đề tài như Rhoephores (xem Oresteria của Aiskhylos và Elektra của Sophoklês). Kịch của Euripidés hiện thực hơn hai tác phẩm trên, bố cục chặt chẽ hơn, nhưng kém không khí hào hùng hơn. Tính chất nhân vật cũng khác. Sau khi thúc dục em trai là Orestês giết mẹ, đã thông dâm với kẻ giết bố mình. Công chúa Elektra thấy máu mẹ lại trách em và hối hận. Đoạn này có tính chất thơ và mang nhiều kịch tính. Giraudoux cũng viết kịch Elektra.
Mêdeia là bi kịch cổ Hy Lạp, miêu tả một sự ghen tuông man rợ, kịch tính cao. Trong thần thoại Hy Lạp, Mêdeia là một phù thủy cao tay, cùng chồng là Iason và các con sống lưu vong ở đô thành Korinthôs. Mấy năm sau, vua thành ấy gả con gái cho Iason, và định nhường ngôi cho Iason. Chàng lóa mắt nhận ngay. Mêdeia làm bộ ưng thuận, nhưng dùng quỷ kế để giết tình địch.
Ngày cưới, Mêdeia cho quà cô dâu một chiếc áo tẩm thuốc độc, cô dâu mặc vào chết ngay, vua cha cũng chết theo. Vẫn còn căm thù, Mêdeia bóp cổ chết các con của mình với Iason, rồi mang thây cho chồng xem. Đoạn miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm giữa tình yêu con và lòng căm thù chồng khá sâu sắc. Cuối cùng, Mêdeia trốn đi trong một cỗ xe do rồng kéo. Mêdeia sẽ lấy vua thành Athênai. Corneille cũng viết một vở dựa vào Euripidés là Médée.
Alkestis là bi kịch cổ Hy Lạp (thực tế là bi hài kịch, vì có những cảnh thần say rượu, kết thúc có hậu). Chuyện thần thoại kể về nàng Alkestis, người vợ hiền của vua Admêtos. Để trả ơn cho Admêtos, thần Apollo hứa sẽ để cho Admêtos khỏi chết nếu có ai chết thay; chỉ có người vợ hiền chịu xuống âm phủ thay cho chồng. Nhưng cuối cùng, nàng cũng được thần minh cứu vớt.
Hyppolytos Stephanêphoros là bi kịch cổ Hy Lạp. Chàng Hyppolytos con vua Thêseus, coi khinh tình yêu phụ nữ. Thần Ái tình Aphroditê giận lắm, làm cho vợ kế của bố chàng, nàng Phaedra yêu chàng say mê, Hyppolytos kinh sợ tình cảm loạn luân ấy, không đáp lại nổi tình cảm của Phaedra, Phaedra xấu hổ, treo cổ tự tử, vu cho Hyppolytos cưỡng dâm mình.
Vua Thêseus đi xa lâu ngày về, tin là có chuyện thật, vua nguyền rủa con, khiến cho con bị một vị thần linh làm chết oan (một con bò nhảy từ dưới bể lên, làm cho con ngựa của chàng hoảng sợ và gây tai nạn). Thêseus biết sự thực thì đã quá muộn. Tác phẩm của Euripidés có ảnh hưởng đến Phèdre của Racine (Pháp).
Bakkai là bi kịch cổ Hy Lạp, đề cao sự tôn sùng thần Rượu vang Bacchus. Vua Pentheus dám giam thần Bacchus lại, bị trừng phạt một cách kinh khủng: bị các nữ đạo sĩ, và cả chính mẹ mình xé xác ra từng mảnh trong một cuộc truy hoan.
Trôades là bi kịch cổ Hy Lạp, lên án gay gắt chiến tranh. Sau khi bị liên quân Hy Lạp vây hãm và chiếm được, thành Troia bị tàn phá và đắm trong khói lửa. Chuyện kể về số phận hoàng gia. Hoàng hậu Hekabê, vợ vua Priamos, Andromakê, vợ hoàng tử Hektor và công chúa Kassandra giỏi về tiên tri, đều bị bắt làm nô lệ.
Andromakê cố gắng một cách vô vọng cứu đứa con trai nhỏ bị các tướng Hy Lạp sai ném từ mặt thành xuống cho tuyệt giống anh hùng.
Helenê, mỹ nhân bị giữ trong thành Troia và do đó là nguyên nhân chiến tranh Troia, dùng nhan sắc chinh phục lại chồng là vua Menelaos định tâm giết nàng. Sự có mặt của Helenê làm nổi bật tính chất phù phiếm của cuộc chiến tranh. Nhân vật trung tâm là Hoàng hậu Hekabê già nua, khi thì đau khổ, lúc thì tức giận; trước khi bị bắt đi, bà làm ma cho đứa cháu bé bị giết, bà nguyền rủa các thần minh mù quáng và độc ác. Tác giả cũng nói lên sự hèn nhát và độc ác của người Hy Lạp
Euripidés và các bi kịch cổ Hy Lạp |