Dự báo lạc quan
Theo dự đoán mới đây về tốc độ phát triển kinh tế tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết nền kinh tế châu Âu có thể tăng trưởng đạt tỷ lệ 1,8% trong năm 2017 và 2018; tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 1,6% trong năm 2017 và 1,8% trong năm 2018.
Trước đây, EC từng đưa ra dự báo mức tăng trưởng thấp hơn vào tháng 11/2016 là nền kinh tế châu Âu có thể tăng trưởng đạt tỷ lệ 1,6% trong năm 2017 và 1,8% trong năm 2018; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đạt 1,5% trong năm 2017 và 1,7% trong năm 2018. Các dự báo được sửa đổi tăng lên do “có nhiều dấu hiệu tốt hơn so với dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2016 và có sự khởi đầu mạnh mẽ hơn vào đầu năm 2017”.
Cố vấn kinh tế của EC Pierre Moscovici. (Nguồn: EC Audiovisual Service) |
Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Ủy ban này đưa ra con số dự báo lạc quan là tất cả các nền kinh tế tại châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng vào năm 2017 cũng như năm 2018.
Tuy nhiên, Cố vấn kinh tế của EC Pierre Moscovici cũng cảnh báo về “những rủi ro đặc biệt” và “bất ổn đặc biệt cao” đang ảnh hưởng, tác động đến sự tăng trưởng kinh tế tại châu Âu. Cụ thể, những chính sách “khó có thể dự đoán được” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay cùng với sự kiện Brexit và các cuộc bầu cử sắp tới tại các quốc gia châu Âu đang là nguy cơ tiềm ẩn chính đối với sự phát triển nền kinh tế châu Âu.
Chính sách đối ngoại mới của Chính phủ Trump
Chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nắm chính quyền tại Mỹ, “Mỹ đang thể hiện một chính sách khó có thể đoán được và tiềm tàng các nhân tố nguy hiểm”, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại trong nước của Mỹ hiện nay. Điều này đang tác động và ảnh hưởng đến toàn cầu.
Ông Pierre Moscovici đánh giá rằng gói kích thích kinh tế dự kiến của Chính phủ Mỹ sẽ là nguồn động lực làm tăng trưởng GDP toàn cầu “nhiều hơn dự kiến”, nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, “sự chuyển hướng của Mỹ về chính sách thương mại có thể gây nguy hại đến thương mại quốc tế” và “việc tăng lãi xuất và sự tăng giá mạnh của đồng USD sẽ có thể làm tổn thương các nền kinh tế đang nổi lên”.
Chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ mới đang tác động đến toàn cầu, bao gồm cả Eurozone. (Nguồn: Reportuk) |
Theo vị Cố vấn kinh tế EC, châu Âu cần phải “thận trọng” và phải “đảm bảo một tinh thần hợp tác” với Mỹ, đảm bảo Mỹ tiếp tục vẫn là đối tác quan trọng, người bạn và đồng minh tin cậy của châu Âu. Hơn nữa, châu Âu vẫn cần phải định hướng rõ các chính sách mới của chính quyền Mỹ trên các lĩnh vực then chốt như các quy định ngân hàng hoặc hợp tác về tài chính, thuế và các tiêu chuẩn thương mại khác.
Tác động của Brexit
Bởi Anh đang là đối tác thương mại lớn của khối nên việc nước này trên lộ trình tác khỏi EU sẽ có tác động không nhỏ đến khối đồng tiền chung Euro này. Ông Pierre Moscovici nhận định rằng, Brexit “tiếp tục gây rủi ro giảm giá đáng kể đến tăng trưởng nền kinh tế của Anh và đến một mức độ thấp hơn cho nền kinh tế chung của châu Âu”.
Tuy nhiên, cho đến nay, tác động của quá trình rời khỏi EU của Anh (Brexit) có ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế Anh là “vẫn chưa thể cảm nhận được” và nền kinh tế Anh vẫn duy trì được động lực tăng trưởng kể từ khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. Ông Pierre Moscovici dẫn chứng rằng “tiêu dùng cá nhân đã được hỗ trợ bởi sự hạn chế chi tiêu” và cảnh báo rằng “tăng trưởng tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ giảm xuống và đi cùng với tăng trưởng âm trong thu nhập”. Theo như dự báo, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng ở mức 1,5% trong năm nay và chỉ có 1,2% trong năm tiếp theo.
Một loạt các cuộc bầu cử ở châu lục
Cố vấn kinh tế của EC một lần nữa cảnh báo về bóng ma của chủ nghĩa dân túy đang hiện hữu trong các đảng phái cánh hữu tại các quốc gia châu Âu, các tham vọng “vô lý và nguy hiểm” từ các đảng phái dân túy giương cao ngọn cờ “exit” khỏi Eurozone. Tại Pháp và Italy, Mặt trận dân tộc Pháp (FN) và Phong trào Năm Sao đang hướng cử tri đến cuộc trưng cầu tách khỏi EU, sẽ là một “nguy cơ tiềm tàng về bần cùng hóa”, với lạm phát tăng cao và sự “bùng nổ” của lãi xuất và nợ công lan tràn như bệnh dịch tại các quốc gia châu Âu hiện nay.
Các đảng phái dân túy giương cao ngọn cờ “exit” khỏi Eurozone. (Nguồn: Telegrafi) |
Hiện nay, nhà lãnh đạo FN, Marine Le Pen đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tông thống Pháp vào tháng 4 tới. Các cố vấn người Pháp làm việc tại EC khẳng định rằng, Pháp rời khỏi khối đồng tiền chung Eurozone sẽ là “một thảm kịch đối với khu vực châu Âu và một thảm họa cho nước Pháp”. Và một khi Pháp ly khai với khối này sẽ đồng nghĩa với việc Eurozone sẽ đứng trên bờ vực tan vỡ.