Nhờ EVFTA, thương mại và đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam tăng mạnh. Tập đoàn năng lượng lớn nhất của Đan Mạch Orsted đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho trang trại điện gió 3,9 gigawatt (GW) ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. (Nguồn: Vnxpress) |
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, thương mại và đầu tư từ châu Âu đã tăng mạnh.
Việt Nam luôn là điểm đến quan trọng
Đan Mạch trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam khi Tập đoàn đồ chơi LEGO của nước này cam kết đầu tư trị giá 1 tỷ USD (1,01 tỷ Euro) để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn LEGO.
Cùng với việc nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao khi các tập đoàn công nghệ như Apple và Samsung gần đây đã công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Quốc gia Đông Nam Á cũng đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo để tiến tới không phát thải ròng vào năm 2050. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á.
Tập đoàn năng lượng lớn nhất của Đan Mạch Orsted đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho trang trại điện gió 3,9 gigawatt (GW) ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Một đại diện của tập đoàn Orsted cho biết, các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ sản xuất điện vào năm 2030. Tháng 8/2022, tập đoàn Orsted ký thỏa thuận với công ty con của tập đoàn PetroVietnam nhằm hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.
Trưởng phòng Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, ông Troels Jakobsen cho hay: "Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ rất chặt chẽ. Năm 2021, hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì vậy, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư quan trọng của các công ty Đan Mạch.
Hiện tại, số công ty Đan Mạch ở Việt Nam nhiều gấp hai lần số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại…Ngày càng có nhiều công ty đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và tại đây, Việt Nam xếp top đầu trong danh sách các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng ở châu Á".
Đầu tháng 8/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đã xuất bản cuốn cẩm nang tiếng Việt cho các doanh nghiệp về thị trường Scandinavia. Vài ngày sau, một phái đoàn nông sản Đan Mạch đã đến thăm Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ giữa các ngành.
Tháng 9/2022, Đại sứ quán cũng tổ chức diễn đàn về chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của Việt Nam, trong khi Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch diễn ra tại Copenhagen vào ngày 5/9.
Đầu tháng 11/2022, các công ty Đan Mạch sẽ tháp tùng Thái tử Frederik trong chuyến thăm thương mại Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới. (Nguồn: Kinh tế Môi trường) |
Ngày càng hấp dẫn
Thế giới đang tồn tại các xu hướng sản xuất “Offshoring” (hoạt động ra nước ngoài) và “near-shoring” (đưa sản xuất về gần chính quốc).
Theo bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp Pháp Natixis, những năm gần đây, Việt Nam ngày càng hấp dẫn với tư cách là một trung tâm sản xuất. Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng giá trị gia tăng và đang nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng cho sản xuất công nghệ.
Tháng 8/2022, tập đoàn Apple thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm đồng hồ Apple Watch và máy tính MacBook tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Samsung là nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Bà Trinh Nguyễn nhận định, Việt Nam cũng tiếp tục thu hút đầu tư khi nước láng giềng Trung Quốc kiên trì với chính sách "Zero Covid".
Hơn hết, Việt Nam có vị trí thuận lợi, gần với Trung Quốc và các thị trường khác, đồng thời, quốc gia này cũng đang nâng cấp cơ sở hạ tầng và kết nối.
EVFTA là yếu tố then chốt
Yếu tố then chốt cho các nhà đầu tư châu Âu là EVFTA. Thỏa thuận này cắt giảm gần như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Một điểm hấp dẫn khác đối với các doanh nghiệp Đan Mạch là Việt Nam đang "mạnh tay" thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu Lina Hansen lưu ý, năng lượng là yếu tố quyết định chính cho đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, tạo ra hơn 11% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời. Với bờ biển dài 3.260 km, quốc gia Đông Nam Á cũng đang đầu tư rất nhiều vào năng lượng gió.
Hiện tại, Việt Nam có công suất điện mặt trời và gió lần lượt vào khoảng 16,6 GW và 0,6 GW, nhưng chính phủ muốn nâng tổng công suất lên 20 GW vào năm 2030.
Còn ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của tập đoàn Orsted (đang đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các cơ sở điện gió tại Việt Nam) nhấn mạnh: “Việt Nam có lợi thế tự nhiên đẳng cấp thế giới về gió ngoài khơi. Với 3.000 km đường bờ biển, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió ổn định cao, quốc gia này có các điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án gió ngoài khơi ổn định và có chi phí cạnh tranh”.
| Tận dụng EVFTA, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới Không chỉ trong thương mại, việc ký kết và thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) còn là dấu mốc ... |
| Bức tranh 2 năm thực thi EVFTA: Hai mảng màu sáng – tối Bên cạnh những “trái ngọt” thu được sau 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức đi ... |
| Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Hy Lạp Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikolaos Dendias diễn ra chưa đầy hai tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Hy Lạp ... |
| Đại diện Cấp cao USABC: FTA chưa phải là tất cả, sự nỗ lực tự thân sẽ giúp kinh tế Việt Nam bay xa Mạng lưới FTA đa dạng, chất lượng cao giống như “đường cao tốc” giúp Việt Nam đến với thế giới nhanh hơn. Tuy nhiên, đi ... |
| Hai năm thực thi EVFTA: Việt Nam và châu Âu cùng thắng! EVFTA là hiệp định cả Việt Nam và EU cùng thắng. Doanh nghiệp châu Âu đang tìm kiếm các thị trường đáng tin cậy và ... |