📞

FAO kêu gọi trao quyền cho phụ nữ nông thôn trong quá trình hồi phục kinh tế tại Mỹ Latinh

Nguyễn Hoàng 08:57 | 20/10/2020
TGVN. Trong số 10 triệu cư dân nông thôn có thu nhập thậm chí không đủ để trang trải các nhu cầu lương thực cơ bản, phụ nữ chiếm tới 60%.
Phụ nữ nông thôn có vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục kinh tế tại Mỹ Latinh. (Nguồn: FAO)

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra lời kêu gọi trao thêm quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn, người gốc Phi và người thổ dân bản địa nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế tại các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Theo đó, việc trao quyền này phải được hiện thực hóa trong các quy định và chính sách cho phép phụ nữ nông thôn tiếp cận một cách công bằng các nguồn lực sản xuất, bảo trợ xã hội, cũng như giáo dục và đào tạo.

FAO cho biết, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, phụ nữ nông thôn, người gốc Phi và người thổ dân bản địa tiếp tục công việc của họ tại các khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ở các thành phố.

Tuy nhiên, họ phải đối mặt với bất bình đẳng do làm việc trong khu vực phi chính thức, cùng với đó là tình trạng quá tải trong công việc gia đình và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, nguồn nước, và vật tư đầu vào.

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ), tình trạng nghèo cùng cực ở các vùng nông thôn tại Mỹ Latinh có thể lên tới con số kỷ lục 42% trong năm nay, tương đương với 96 triệu người so với con số 68 triệu người ghi nhận vào năm 2019.

CEPAL cũng cảnh báo, trong số 10 triệu cư dân nông thôn có thu nhập thậm chí không đủ để trang trải các nhu cầu lương thực cơ bản, phụ nữ chiếm tới 60%.

Tại khu vực Mỹ Latinh, 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đóng cửa trường học do dịch Covid-19, do đó ít nhất 113 triệu trẻ em buộc phải ở nhà và cần được chăm sóc 24/24. Trong khi đó, công việc chăm sóc trẻ em theo truyền thống thuộc về phụ nữ, những người phụ trách 76% công việc trong nhà mà không được trả lương. Tỷ lệ này còn cao hơn tại khu vực nông thôn.

Ngoài ra, căng thẳng trong gia đình liên quan đến nghĩa vụ làm việc nhà đang làm tăng nguy cơ bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Do đó, FAO yêu cầu tăng cường độ bao phủ của các chương trình an ninh lương thực và dinh dưỡng, cùng với đó thúc đẩy việc thực hiện các chương trình sản xuất, bảo trợ xã hội và nâng cao năng lực tại khu vực nông thôn với mục đích đảm bảo phụ nữ nông thôn có thể tiếp cận với việc làm tốt và các gói bảo trợ xã hội.

FAO cũng nhấn mạnh việc xây dựng các hệ thống chăm sóc, giáo dục, và giảm bạo lực giới cần được coi là trụ cột ưu tiên trong quá trình tái khởi động các hoạt động kinh tế, trong đó cần thu hút phụ nữ nông thôn tích cực tham gia vào các chiến lược ứng phó với khủng hoảng.

(theo TTXVN)