Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia Diễn đàn đầu tư toàn cầu của Việt Nam 20/4/2009 |
Giải ngân vốn FDI đạt tốt
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng qua, cả nước có 504 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,6 tỷ USD. Tuy vốn đăng ký cấp mới giảm nhưng lượng vốn tăng thêm của các dự án lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2008. Trong 8 tháng đầu năm, có 149 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 4,8 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ.
Nhưng điểm đáng mừng là kết quả giải ngân vốn FDI. Theo ước tính, 8 tháng đầu năm các dự án FDI đã giải ngân được 6,5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong con số này, vốn từ nước ngoài khoảng 5,5 tỷ USD. Ông Phan Hữu Thắng cho rằng mục tiêu giải ngân 9 tỷ USD vốn FDI trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được bởi những tháng cuối năm số vốn giải ngân thường lớn hơn các tháng trước đó do các địa phương, doanh nghiệp tích cực đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Cũng báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch vụ lưu trú và ăn uống đang là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư. 8 tháng qua, đã có 4,5 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm “đổ” vào lĩnh vực này. Riêng cấp mới, đã có 20 dự án với tổng vốn đầu tư 755 triệu USD. Chỉ có 3 dự án tăng vốn nhưng số vốn tăng thêm đã đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng vốn của lĩnh vực này.
Đến tháng 8/2009, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã vượt lĩnh vực kinh doanh bất động sản và trở thành lĩnh vực có quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai. Dự án mới được cấp phép trong lĩnh vực này là dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu của China Steel Corp (Đài Loan) và Sumitomo Metal (Nhật Bản) với quy mô vốn đăng ký 1,148 tỷ USD. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ ba với 1,875 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm.
Thống kê cho thấy đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số doanh nghiệp có vốn đăng ký vào Việt Nam với 3,956 tỷ USD; tiếp theo là Đài Loan với 1,353 tỷ USD và British Virgin Islands (1,247 tỷ USD).
Nguồn vốn tích cực cho nền kinh tế
Theo nhận định của ông Phan Hữu Thắng, 8 tháng qua, khối doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn, tác động tích cực với nền kinh tế như chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường, tạo mối liên kết, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn cung ngoại tệ… và đặc biệt trong việc hạn chế nhập siêu của Việt Nam.
Kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu khí) dự kiến đạt 18,67 tỷ USD, bằng 79,2% so với cùng kỳ và chiếm 50,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI ước khoảng 15,18 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ và chiếm 35,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Như vậy, trong khi cả nước nhập siêu trên 5,1 tỷ USD, trong 8 tháng các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 3,49 tỷ USD.
Cùng chung nhận định đó, GS Jomo Sundaram, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế trao đổi trong cuộc đối thoại với quan chức Chính phủ Việt Nam sáng ngày 17/8 tại Hà Nội cho rằng, nếu dòng vốn FDI nào không tạo được kim ngạch xuất khẩu thì dòng vốn đó không đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước. Ông này cũng khẳng định rằng VN cần lựa chọn những dự án “tốt” có khả hỗ trợ cho nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đối với Việt Nam hiện nay, vốn đăng ký 20-25 tỷ USD và nền kinh tế hấp thụ được 10 tỷ USD là phù hợp với cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cảnh báo, Việt Nam cần giải quyết triệt để các thủ tục hành chính còn nhiều bất cập hay giải phóng mặt bằng chậm chễ... mới mong tăng được tốc độ cũng như tỷ lệ giải ngân nguồn vốn FDI.
Dương Liễu