Chủ tịch Fed Jerome H. Powell phát biểu tại cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp ngày 16/3/2022. (Nguồn: Bloomberg) |
Tăng lãi suất để chống lạm phát kỷ lục
Trong thông cáo đưa ra sau 2 ngày nhóm họp, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cho biết ngân hàng này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% - 0,5%.
Thông cáo cho biết thêm Fed sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất nữa từ nay tới cuối năm, và dự kiến lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay.
Theo quan chức cấp cao của Fed, tổng cộng ngân hàng này dự kiến có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và thêm 3 đợt khác trong năm 2023.
Sau hai ngày nhóm họp, Fed cũng điều chỉnh lại một số dự báo đối với nền kinh tế Mỹ trước những diễn biến bất ngờ của thị trường xăng dầu quốc tế và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cụ thể, Fed dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ mục tiêu lạm phát 2% được Fed đưa ra trước đây.
Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, qua đó khép lại giai đoạn ngân hàng này ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế số một thế giới đương đầu với đại dịch. Lần gần đây nhất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là cuối năm 2018.
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% lên phạm vi 0,25 - 0,5% trong ngày 16/3.
Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất chuẩn mà các ngân hàng tính cho các khoản vay lẫn nhau và được sử dụng để thiết lập chi phí đi vay đối với thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và thế chấp.
Các quan chức Fed từng phát tín hiệu trong nhiều tháng qua là cơ quan này sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 và bắt đầu kéo lại lãi suất kích thích sau hai năm kinh tế tăng trưởng nhanh và lạm phát cao.
Việc tăng lãi suất diễn ra gần đúng hai năm sau khi Fed cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và bắt đầu mua hàng tỉ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng để kích thích nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19.
Nhận định trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Matthew Cranston nhận định, trong 40 năm qua, đã có rất nhiều chu kỳ nâng lãi suất của Mỹ, nhưng chu kỳ này có thể là quan trọng nhất. Nguyên nhân là vì do lãi suất chưa bao giờ thấp như hiện nay và rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ đang quá cao, lạm phát tăng vượt kiểm soát và các vấn đề địa chính trị ngày càng phức tạp.
Tác giả cho rằng những người ra quyết định đang phải chịu áp lực rất lớn, để có thể đảm bảo "lèo lái" chính sách tiền tệ đi đúng hướng, chính bởi ý nghĩa của vấn đề này vô cùng to lớn với người dân Mỹ và cả thế giới.
Tại sao Fed đột ngột thay đổi hướng hành động?
Cuộc họp của FOMC chính thức đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, đó là chu kỳ tăng lãi suất. Đây sẽ là lần tăng lãi suất quỹ chính thức đầu tiên của Mỹ kể từ Giáng sinh năm 2018. Và năm nay có thể sẽ còn có nhiều đợt tăng lãi suất hơn bất kỳ năm nào khác được ghi nhận.
Một trong những lý do tại sao chu kỳ tăng lãi suất của Fed lại có ý nghĩa quan trọng là vì thế giới đang có tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng chậm.
Fed thường tăng lãi suất để làm chậm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, vốn là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, lần này không chỉ có yếu tố nhu cầu đã thúc đẩy lạm phát – chính sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy. (Nguồn: Anadolu) |
Những thay đổi về lãi suất của Fed gây ra một chuỗi sự kiện, ảnh hưởng đến các loại lãi suất ngắn hạn khác, cũng như tỷ giá hối đoái, lãi suất dài hạn và một loạt các biến số kinh tế, bao gồm cả việc làm và giá tài sản như cổ phiếu và giá nhà.
Hầu hết giới chuyên gia và cả các nhà đầu tư đều không muốn Fed hành động gây giảm nhu cầu quá nhiều, vì điều này có thể tạo ra suy thoái và rất có thể là cả lạm phát đình trệ - nơi lạm phát cao hơn tăng trưởng.
Tuy nhiên, Fed đã phát đi tín hiệu rằng việc giảm lạm phát quan trọng hơn nhiều so với việc tránh suy thoái.
Bước ngoặt trong chính sách tiền tệ thực sự đến vào tháng 11/2021, khi Chủ tịch Powell, người được Tổng thống Mỹ tái đề cử vào vị trí cao nhất của Fed, bắt đầu báo hiệu xu hướng thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn trước rất nhiều, vì lạm phát đã đi quá xa so với mục tiêu của Fed.
Lạm phát của Mỹ chưa từng cao đến mức này, kể từ khi ông Powell và cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker nâng lãi suất lên 20%, để chống lại lạm phát 14,2% vào năm 1980.
Giáo sư Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, Steve Hanke, nói rằng để Fed đạt được mục tiêu lạm phát 2%, cơ quan này sẽ phải tăng lãi suất đủ để làm chậm tốc độ tăng cung tiền xuống khoảng 6%.
Theo Fed, M2 - một thước đo chung cho tất cả các loại tiền khác nhau trong nền kinh tế - đã tăng trưởng tích lũy 41,2% kể từ tháng 2/2020 hay đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 19,7% mỗi năm.