TIN LIÊN QUAN | |
Đến lượt Thượng viện Mỹ công nhận tội diệt chủng người Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng | |
Ngoại trưởng Cuba kêu gọi thế giới lên án lệnh cấm vận có tính 'diệt chủng' của Mỹ |
Félicien Kabuga, nghi phạm chủ chốt cuối cùng trong vụ diệt chủng ở Rwanda. (Nguồn: France24) |
Trong một tuyên bố của Liên hợp quốc, nghi phạm diệt chủng người Rwanda Félicien Kabuga đã bị bắt ngày 16/5 vừa qua trong một hoạt động phối hợp với chính quyền Pháp. Kabuga bị truy nã do đóng vai trò chính của một trong những nạn diệt chủng tồi tệ nhất thế kỷ XX.
Tuyên bố cho biết Kabuga đã sống ở Asnieres-sur-Seine phía Bắc Paris dưới một danh tính giả và đã lẩn trốn với sự đồng lõa của các con. “Vụ bắt giữ được thực hiện vào lúc bình minh và cuối cùng đã bắt giữ được nghi phạm mà các cơ quan tư pháp trên khắp thế giới đã tìm kiếm, truy bắt trong 25 năm qua”, bản tuyên bố cho biết thêm.
Theo điều tra, trước khi đến Pháp để lẩn trốn, Kabuga đã từng ở Đức, Bỉ, CHDC Congo, Kenya và Thụy Sỹ. Các nhân viên an ninh Mỹ năm 2003 đã không bắt được Kabuga, và đưa ra số tiền thưởng 5 triệu USD cho ai phát hiện, trong một nỗ lực để dụ anh ta đến nhà của một doanh nhân người Kenya.
Félicien Kabuga, 84 tuổi, là một trong những kẻ trốn truy nã được truy tìm gắt gao nhất thế giới và bị cáo buộc là đã tài trợ cho ba tháng thảm sát tại Rwanda năm 1994, khiến 800.000 người thiệt mạng. Tòa án hình sự quốc tế của Liên hợp quốc tại Rwanda (ICTR) đã truy tố Kabuga năm 1997 về bảy tội diệt chủng, đồng lõa trong tội diệt chủng, kích động trực tiếp và công khai để thực hiện tội ác diệt chủng, cố gắng thực hiện tội ác diệt chủng… tất cả đều liên quan đến tội ác diệt chủng năm 1994.
Xuất thân nghèo đói
Félicien Kabuga, một người Hutu, xuất thân từ gia đình nông dân với thu nhập ít ỏi. Những công việc đầu tiên của Kabuga bao gồm bán đồ lặt vặt đến từng cửa nhà và bán thuốc lá, quần áo cũ tại một khu chợ ở thành phố Byumba, phía Bắc Rwanda, nơi y sinh ra.
Sau đó, Kabuga chuyển tới thủ đô Kigali và bắt đầu mở một số cửa hàng.
Từ đó, y bắt đầu phát triển sự nghiệp và trở thành một trong những người giàu nhất Rwanda. Năm 2001, ICTR đã đóng băng các tài khoản của Kabuga tại nhiều ngân hàng ở Thụy Sỹ, Pháp, Bỉ và Đức.
Theo truyền thông Pháp, Kabuga sở hữu một đồn điền trà, một nhà máy và bất động sản, bao gồm nhiều khu căn hộ và nhà kho. Nếu nông dân ở những ngôi làng hẻo lánh có một khối tài sản nhất định, họ thường được gọi là các “Kabuga”.
Năm 1993, một trong những người con gái của Kabuga được gả cho con trai lớn nhất của cố Tổng thống Rwanda Juvénal Habyarimana (1937-1994). Một người con gái khác của y cưới Augustin Ngirabatware, Bộ trưởng Kế hoạch, người đã bị kết án 30 năm tù vì vai trò của mình trong nạn diệt chủng.
Vai trò trong nạn diệt chủng
Với khối lượng tài sản khổng lồ và quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, Félicien Kabuga đã trở thành một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng và tiếng nói lớn nhất quốc gia Trung Phi này. Theo New York Times, Kabuga bị buộc tội sử dụng tài sản của mình để tài trợ và hỗ trợ cho Interahamwe, tổ chức bán quân sự người Hutu đã gây nên tội ác diệt chủng năm 1994.
Chúng được trang bị dao rựa, cuốc, dùi cui và súng trường để sẵn sàng phối hợp với binh lính người Hutu trong quân đội Rwanda hình thành đội quân giết người.
Ngoài ra, các công tố viên Rwanda cho biết, theo các tài liệu tài chính được tìm thấy ở thủ đô Kigali, Kabuga đã thông qua các công ty của mình nhập khẩu số lượng lớn dao rựa, lựu đạn và quân phục cho quân đội và Interahamwe, cũng như cho các lực lượng này sử dụng xe ô tô của công ty.
Bản cáo trạng của ICTR viết: “Với quyền lực của mình, Félicien Kabuga trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/1994 đã góp phần vào việc giết hại và làm hại những người Tutsi bằng cách tổ chức các cuộc họp… để gây quỹ nhằm mua vũ khí”.
Không những vậy, Kabuga đã góp phần tạo nên Đài phát thanh-Truyền hình khét tiếng Libre des Mille Collines (RTLM) nhằm kích động, kêu gọi người Hutu sát hại người Tutsi trên các chương trình của nó. “Kabuga từng là chủ tịch của RTLM và như vậy, có bằng chứng cho thấy Kabuga kiểm soát và thiết lập của chương trình, hoạt động và tài chính của RTLM”, bản cáo trạng viết.
Kabyga cũng bị buộc tội giám sát trực tiếp các vụ thảm sát của Interahamwe ở Gisenyi, tây bắc Rwanda, và tại quận Kimironko của Kigali.
Vào tháng 7/1994, Kabuga đã trốn sang Thụy Sỹ, nhưng bị trục xuất chỉ sau một tháng. Sau đó, y bay tới Kinshasa (CHDC Congo), rồi lẩn trốn sang Kenya. Tại đây, Kabuga đã tránh được ba nỗ lực bắt giữ của cảnh sát và các quan chức ICTR sau khi lệnh truy tố của ICTR được ban hành vào năm 1997.
Không thể trốn chạy
Theo Al Jazeera, việc Kabuga bị bắt giữ tại Pháp cũng dấy lên nhiều câu hỏi bởi Pháp từ lâu được biết đến như một nơi ẩn náu của các nghi phạm diệt chủng bị truy nã và hiện các nhà điều tra Pháp đang phải xử lý hàng chục vụ án. Tuy nhiên, thời gian qua mới chỉ có ba vụ án được đưa ra phán xử, trong đó có vụ liên quan đến một tài xế người Pháp gốc Rwanda bị buộc tội vận chuyển lực lượng người Hutu.
Những vấn đề liên quan đến nạn diệt chủng ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ Pháp-Rwanda. Gonza Muganwa, một nhà phân tích chính trị người Rwanda cho rằng: “Nhiều năm qua, những cận vệ của chính phủ Pháp đã từng bảo vệ Kabuga. Nhưng thế hệ này đã nghỉ hưu và chính quyền mới không quan tâm tới việc bảo vệ một kẻ trốn chạy khỏi pháp luật già nua nữa” .
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh việc bắt giữ Kabuga và nói rằng việc này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng những kẻ bị cáo buộc thực hiện những tội ác lớn như vậy sẽ không thể nào thoát khỏi công lý, cho dù sự việc đã diễn ra hơn một phần tư thế kỷ.
Ông Mausi Segun, giám đốc cơ quan nhân quyền châu Phi, cho biết vụ bắt giữ này là một bước quan trọng để đem lại công lý cho hàng trăm ngàn người là nạn nhân của vụ diệt chủng. Kabuga được cho rằng sẽ được chuyển tới cơ quan xét xử của LHQ, tòa án The Hague có trụ sở ở Hà Lan để thụ án. Theo các công tố viên Rwanda, các nhân vật bị truy nã hàng đầu khác còn có Protais Mpiranya và cựu tư lệnh của Vệ binh của Tổng thống Rwanda cũng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Augustin Bizimana.
Nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994 Nguyên nhân dẫn đến nạn diệt chủng năm 1994 tại Rwanda bắt nguồn từ những mâu thuẫn kéo dài trong quá khứ, giữa người Tutsi thiểu số song lại có thời gian dài nắm vai trò thống trị trong xã hội và người Hutu, da số lại có địa vị thấp hơn tại hai đất nước Rwanda và Burundi vốn từng chung một quốc gia trước cuộc trưng cầu dân ý năm 1960. Người Hutu chiếm tới 84% tại Rwanda và 85% ở Burunđi, trong khi người Tustsi chỉ chiếm 15 % tại cả hai nước trên. Kể từ khi hai nước giành được độc lập, người Hutu nắm vai trò lãnh đạo tại Rwanda và dần có địa vị cao hơn tại Burundi, song xung đột và trả thù giữa hai sắc tộc trên vẫn diễn ra, diển hình là vụ thảm sát thàng 10/1993 tai Burunđi khiến 25.000 người Tutsi bị giết và hàng trăm nghìn người phải chạy sang Congo. Căng thẳng như giọt nước tràn ly khi tháng 4/1994, Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana và Tổng thống Burundi Cyprien Ntaryamira (cả hai đều là người Hutu) bị sát hại trong một chuyến bay. Một ngày sau đó, những người Hutu cực đoan trong quân đội do Đại tá Theoneste Bagosora dẫn đầu đã giết chết Thủ tướng Agathe Uwilingiyimana - một người Hutu ôn hòa đang nỗ lực làm giảm căng thẳng. Tiếp đó, người Hutu cực đoan trong quân đội Rwanda đã phối hợp với nhóm dân quân Interahamwe người Hutu (lúc cao điểm lên tới 30.000 tay súng) tàn sát những người Tutsi và những người Hutu ôn hòa, khiến Rwanda chìm trong 100 ngày bạo lực. Theo số liệu của LHQ, chỉ trong 3 tháng mà có tới 800.000 người, chủ yếu là người Tutsi thiểu số, người Hutu ôn hòa, người sắc tộc Twa đã bị sát hại; khoảng 95.000 trẻ em mồ côi cha mẹ; khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV/AIDS do bị hãm hiếp… Khoảng 75% người Tutsi sống ở Rwanda đã bị sát hại. Thảm họa diệt chủng chấm dứt sau khi Lực lượng Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF) của người Tutsi do ông Paul Kagame, Tổng thống hiện nay, đánh bại các lực lượng vũ trang cực đoan người Hutu giải phóng toàn bộ đất nước Rwanda ngày 4/7/1994. Cuộc tiến công của RPF diễn ra đồng thời với cuộc diệt chủng. Khoảng 2 triệu người Hutu lo sợ bị chính quyền mới tra thù dã bỏ chạy sang các nước láng giềng…Chính quyền mới của ông Paul Kagame đã hủy bỏ phân chia sắc tộc. Tất cả người trong nước đều được gọi là ”dân tộc Rwanda”, với cơ sở khoa học là cùng nói tiếng Kinyarwanda, cơ bản xóa bỏ mối hận thù dân tộc. Rwanda hiện trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất châu Phi và thế giới, với mức tăng trưởng thường xuyên 8% từ năm 2000. |
| Hạ viện Mỹ công nhận diệt chủng Armenia: Nói điều không nói TGVN. Việc Hạ viện Mỹ ngày 29/10 thông qua nghị quyết công nhận sự tồn tại của “diệt chủng” Armenia sẽ gây tổn hại nghiêm ... |
| Đào lại sự kiện từ thế kỷ trước, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại căng nhau TGVN. Ngày 29/10, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết công nhận hành vi giết người hàng loạt của Đế chế Ottoman (nay ... |
| 13 nước châu Phi tham gia tập trận chung tại Rwanda Ngày 25/3, một cuộc tập chung với sự tham gia của khoảng 200 binh sĩ đến từ 13 nước châu Phi đã khai mạc tại ... |