Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của vị “Tổng tư lệnh kính yêu” Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong toả hơn 40 năm của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa”, lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro. (Nguồn: The Guardian) |
Dấu mốc" Moncada
Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên này lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.
Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.
Trận tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”. Có thể nói, trận tiến công trại lính Moncada chính là hạt giống cách mạng Cuba do chính tay Fidel ươm trồng.
Ngày 1/1/1959, tên độc tài Batista cuối cùng đã phải tháo chạy ra nước ngoài, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỉ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.
Người làm thay đổi Cuba
Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Nhưng không hề nao núng, Fidel đã tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ.
Chủ tịch Fidel Castro tham dự hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) ở Argentina, tháng 7/2006. (Nguồn: Reuters) |
Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 50 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Sau thành công của Đại hội Đảng cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011), với hơn 300 cải cách được đưa ra, đất nước Cuba đang có những biến chuyển đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Cuba là 2,7%, năm 2014 là 2,2% và năm 2015 là 4%. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm... Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý, cuối cùng, chính quyền Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 20/7/2015. Đây là một sự kiện tích cực trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba.
Với những thành tựu này, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hòa bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và, trong những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới của Cuba này đều ghi dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ tài ba Fidel Castro.
Trọn đời cống hiến
Ngày 18/2/2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và thôi không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, ông muốn mở đường để thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền. “Đây không phải là lời chia tay của tôi gửi đồng bào. Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm một người lính trên mặt trận ý tưởng”. Quyết định trên của Chủ tịch Fidel Castro được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đội ngũ lãnh đạo Cuba.
Người dân Cuba đau buồn khi hay tin vị lãnh tụ của đất nước qua đời. (Nguồn: EFE) |
Dù không trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì lý do sức khỏe, song Fidel vẫn được tham khảo ý kiến trong mọi quyết định chiến lược đối với sự sống còn của cách mạng Cuba. Kể từ khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Ông liên tục có những bài viết phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả những sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh, như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan…
Với những cống hiến trọn đời cho đất nước Cuba, Fidel mãi mãi là một vị lãnh tụ, là linh hồn của cách mạng Cuba. Nhân dân Cuba không bao giờ quên ơn và yêu mến, kính phục ông. Trong lòng nhân dân Cuba, Fidel mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, mãi mãi là Tổng Tư lệnh.