Sáu tàu bị nghi ngờ thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, bao gồm Yuexinhuiyu 60138 và 60139, neo đậu tại bãi Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/3. (Nguồn: AP) |
Những bằng chứng "biết nói"
Cảnh sát biển Philippines ngày 15/4 công bố hình ảnh các tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu tại bãi Đá Ba Đầu trong khu vực lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các bức ảnh được chụp bởi thủy thủ đoàn trên tàu tuần tra BRP Cabra đã áp sát nhóm 6 tàu Trung Quốc.
Các nhà phân tích Ryan Martinson và Andrew Erickson của Foreign Policy chỉ ra điểm đáng chú ý là Philippines còn đăng thêm video cho thấy, nhóm tàu Trung Quốc chính là 6 chiếc mà thủy thủ trên BRP Cabra đã nhìn thấy trong chuyến tuần tra hơn 2 tuần trước đó.
| Mỹ cử tàu chiến gia nhập hạm đội tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương |
Các nhà phân tích nhận định: "Tàu cá thực sự không thể neo đậu ở một chỗ suốt nhiều tuần như vậy, đặc biệt khi thời tiết vô cùng thuận lợi để đánh bắt. Các thuyền trưởng của nhóm tàu này rõ ràng không quan tâm đến tổn thất kinh tế do không đánh bắt, nên việc kéo dài thời gian hiện diện tại bãi Đá Ba Đầu chỉ có thể bởi họ được giao nhiệm vụ giữ nguyên vị trí".
Trung Quốc được cho là cấp kinh phí để ngư dân thực hiện hoạt động tương tự. Tuy nhiên, dựa trên tình hình căng thẳng tại Đá Ba Đầu trong thời gian qua, giới quan sát đánh giá, chắc chắn đội tàu Trung Quốc thuộc lực lượng mà Lầu Năm Góc gọi là dân quân biển vũ trang Trung Quốc (PAFMM), giống như trong tuyên bố của Philippines, bất chấp những lời bác bỏ từ phía Bắc Kinh.
Chiến thuật "cải bắp" trên biển
Các nhà phân tích của Foreign Policy đã phát hiện nhiều chi tiết liên quan đến nhóm tàu neo đậu tại Đá Ba Đầu có thể hé lộ toan tính thực sự của Trung Quốc.
Đầu tiên, cả 6 tàu đều được đăng ký tại tỉnh Quảng Đông, bởi số hiệu trên thân tàu bắt đầu bằng ký tự "yue", chữ viết tắt của tên tỉnh này.
Martinson và Erickson lập luận: "Đây là điểm đáng lưu ý, bởi lực lượng dân quân biển tỉnh Quảng Đông thường được cho là không có nhiều vai trò trên Biển Đông, khác với lực lượng từ Hải Nam hoặc Quảng Tây. Quan niệm này cần phải thay đổi".
Tháng 11/2013, thiếu tướng Gai Longyun, tư lệnh Quân khu Quảng Đông, đã tới thăm thành phố Đài Sơn của tỉnh này, để truyền đạt trọng tâm mới từ chính quyền trung ương.
"Nhà nước đang tìm cách tăng cường xây dựng các đội dân quân biển trước tình hình ngày càng cấp bách", tướng Gai tuyên bố.
Trong vòng vài tháng, Quân khu Quảng Đông bắt đầu sử dụng "lực lượng dự bị động viên", bao gồm dân quân, tham gia "cuộc đấu tranh" trên biển.
Theo cuốn niên giám Quảng Đông năm 2015, Bắc Kinh kêu gọi đặt lực lượng PAFMM lên "tiền tuyến" trong chiến dịch gây ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc đối với những khu vực tranh chấp.
Phía sau PAFMM, ở tuyến hai và tuyến ba, là lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc. Thành công điển hình nhất từ cách tiếp cận từng lớp, hay còn gọi là chiến thuật "cải bắp", là việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines hồi năm 2012, sau 10 tuần đối đầu.
Trong nhóm 6 tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu, 2 chiếc có số hiệu Yuexinhuiyu 60138 và Yuexinhuiyu 60139, được đăng ký tại quận Tân Hội, thành phố Giang Môn, Quảng Đông. Chữ "yu" ở cuối cùng nghĩa là "ngư", nhằm phân loại đây là tàu cá.
Hai tàu này được trang bị bộ thu phát hệ thống nhận dạng tự động, đồng nghĩa với việc chuyển động của chúng có thể được theo dõi, ít nhất tại một số thời điểm. Các hệ thống giám sát hàng hải thương mại cho thấy 2 tàu này đóng tại cảng cá Nhai Môn thuộc quận Tân Hội.
Địa điểm này nằm trên kênh Nhai Môn, ngay phía dưới bờ biển Macao. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu neo tại 2 bến lớn dọc bờ phía Tây con kênh. Ngay phía trên, ở bờ phía Đông, là căn cứ hải quân Trung Quốc với các tàu hộ vệ và tên lửa.
Tin liên quan |
Vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu: EU ra chiến lược mang tính 'bước ngoặt' |
Hồ sơ của Trung Quốc xác nhận Yuexinhuiyu 60138 và 60139 đều là tàu cá. Kích thước 2 tàu này khá lớn, dài khoảng 40 m, được đóng theo chính sách xây dựng đội tàu cỡ lớn của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phần lớn trong số hơn 500 tàu thuộc đội tàu đánh cá Tân Hội có kích thước nhỏ, hoạt động gần bờ biển Trung Quốc, cách rất xa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Năm 2019, 6 chiếc thuộc đội tàu này được cho là đã hoạt động tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dữ liệu theo dõi cho thấy, khi 2 tàu Yuexinhuiyu 60138 và 60139 rời cảng Nhai Môn ngày 24/2, chúng đã đi cùng Yuexinhuiyu 60136, một trong 6 tàu trên. Theo thông tin từ cảnh sát biển Philippines, cả 3 tàu đều hiện diện tại bãi Đá Ba Đầu.
Bình luận viên Martinson và Erickson dự đoán, nếu các hoạt động năm nay tương tự 2019, Yuexinhuiyu 60138 và 60139 sẽ thực hiện 3 hoặc 4 chuyến đi đến Trường Sa.
Mỗi tàu sẽ dành tổng cộng khoảng 280 ngày trong khu vực này. Chủ sở hữu của chúng sẽ nhận hàng triệu Nhân dân tệ tiền hỗ trợ từ chính phủ để bù đắp chi phí nhiên liệu.
Cũng theo các bình luận viên, quận Tân Hội đã hỗ trợ lực lượng PAFMM trong ít nhất 2 thập niên.
Tháng 6/2002, văn phòng quân sự địa phương phụ trách xây dựng lực lượng dân quân đã đưa nhóm dân quân Tân Hội xuống thị trấn Quảng Hải thuộc huyện Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, để tham gia khóa huấn luyện 1 tháng trên biển.
Đội dân quân này thu hút sự chú ý tại Trung Quốc hồi tháng 12/2014, khi tờ PLA Daily đăng những hình ảnh lực lượng PAFMM Tân Hội được "huấn luyện chiến thuật", có nghĩa là với vũ khí, khi đang ở trên một tàu cá.
Năm đó, cơ quan phụ trách lực lượng vũ trang quận Tân Hội đã tổ chức 3 cuộc diễn tập trên biển như vậy, tập trung vào việc sử dụng thiết bị do thám, liên lạc và làm quen với các kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
Đến năm 2016, Tân Hội thành lập một đội dân quân "biển xa", thuật ngữ được dùng để chỉ khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa. 6 tàu vỏ sắt của Tân Hội, bao gồm Yuexinhuiyu 60138 và 60139, được cho là đều thuộc đội dân quân "biển xa" này.
Toan tính thực sự của Trung Quốc
Như vậy, chỉ từ 2 con tàu, giới quan sát đã thu được nhiều thông tin mới có giá trị về hoạt động của PAFMM trên Biển Đông, như tần suất và khoảng thời gian triển khai hoạt động, sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc và đơn vị PAFMM chủ chốt hoạt động tại các "điểm nóng".
"4 tàu Quảng Đông còn lại tại bãi Đá Ba Đầu cũng sẽ có tiểu sử, giúp cung cấp nhiều thông tin hơn về tổ chức và các hoạt động của PAFMM. Trên thực tế, mọi thông tin về đội tàu cá, dân quân hay lực lượng khác của Trung Quốc tại Trường Sa đều giúp hé lộ chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhờ những hình ảnh của cảnh sát biển Philippines, chúng ta có thể bắt đầu nắm được câu chuyện", các bình luận viên của Foreign Policy đánh giá.
| Đức điều tàu khu trục Bayern qua Biển Đông sau gần 2 thập kỷ: Sự trở lại ngoạn mục nhằm trấn an các đồng minh? |
Giới quan sát còn kết luận, chỉ với những nguồn thông tin mở, luận điệu của Trung Quốc về sự hiện diện của nhóm tàu tại bãi Đá Ba Đầu đã bị phản bác.
Do đó, các nước được cho là cần theo dõi sát tình hình và tăng cường cung cấp thêm thông tin kịp thời, nhằm ứng phó với những toan tính của Trung Quốc.
Tờ Foreign Policy viết: "Philippines có sự thay đổi chính sách rõ ràng khi chia sẻ lượng thông tin nhiều chưa từng có về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Dù chưa rõ động cơ của Manila, sự minh bạch mới mẻ này đang mở ra cơ hội tìm hiểu chiến lược hàng hải của Bắc Kinh".