“Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 vừa qua đã làm gia tăng những nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Song chúng tôi đã sẵn sàng chủ động ứng phó với những hậu quả kinh tế và tài chính tiềm tàng của Brexit”.
Đây là tuyên bố được các lãnh đạo ngân hàng và bộ trưởng tài chính thuộc các quốc gia hàng đầu thế giới đưa ra sau hai ngày họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc từ ngày 23-24/7.
Các đại biểu dự Hội nghị G20 hôm 23-24/7. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Với trọng tâm là những cam kết về các cải cách trong chi tiêu, chính sách tiền tệ và các luật định nhằm đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu, các đại biểu tham dự hội nghị thừa nhận Brexit là mối lo ngại hàng đầu hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các lãnh đạo tài chính cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trên đà tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đưa ra được các sáng kiến chung nào ngoài việc hứa hẹn sẽ chống lại những cú sốc có thể phát sinh sau khi Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU bằng cách “sử dụng tất cả các công cụ chính sách – tiền tệ, thuế quan và cơ cấu – hoặc riêng lẻ, hoặc tập thể, để đạt được mục tiêu chung là một sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”.
Tuyên bố chung đưa ra hôm 24/7 cũng kêu gọi “một mối quan hệ đối tác thân thiết” giữa Anh và các nước láng giềng châu Âu ngay khi các lãnh đạo Anh hoàn tất kế hoạch rời khỏi khối thương mại này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã nhấn mạnh với các đồng nghiệp châu Âu và Anh về “sự cần thiết phải tiến hành các cuộc thương lượng theo một cách thức hòa nhã, thực tế và minh bạch”. Ông nói với báo giới sau cuộc họp: “Một mối quan hệ gắn bó toàn diện giữa Anh và EU chính là một trong những lợi ích lớn nhất của châu Âu, Mỹ và nền kinh tế toàn cầu”.
Trước đó hôm 22/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ 0,1% điểm đối với mức dự báo tăng trường toàn cầu trong năm nay và năm tới, xuống lần lượt 3,1% và 3,4%. Trong một báo cáo, IMF nhận định: “Brexit cho thấy một nguy cơ nghiêm trọng đối với tăng trưởng toàn cầu là có thật, và nguy cơ này vẫn đang tiếp tục phát triển, khả năng xảy ra các tác động tiêu cực là rất rõ ràng”.
Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng kêu gọi nhanh chóng hành động để chấm dứt những quan ngại về tác động của “cuộc chia ly giữa Anh và EU”. Bà cho biết tình trạng xáo trộn này đã buộc IMF phải giảm mức dự báo tăng trưởng như trên.
Về phần mình, phát biểu sau cuộc họp ngày 24/7, tân Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết những quan ngại về Brexit sẽ bắt đầu giảm bớt khi Anh đề ra được một tầm nhìn cho mối quan hệ với châu Âu trong tương lai, và điều này sẽ sáng tỏ hơn vào năm tới.
Tuy nhiên, ông Hammond cũng nhấn mạnh sẽ có những xáo động trên các thị trường tài chính sau các cuộc thương thảo sẽ diễn ra trong những năm tới đây. Ông nói với báo giới: “Chúng ta có thể giảm bớt những quan ngại về vấn đề Brexit khi chúng tôi có khả năng bắt đầu một kế hoạch rõ ràng hơn khi đối mặt với EU trong tương lai. Nếu các đối tác trong EU của chúng tôi cũng hưởng ứng một tầm nhìn kiểu như thế này bằng một thái độ tích cực – chẳng hạn thông qua cuộc đàm phán – thì chỉ trong năm nay chúng ta có thể sẽ sớm thống nhất được về những gì cả hai bên trông đợi. Tôi nghĩ điều này sẽ mang lại một tín hiệu đảm bảo cho cộng đồng thương mại và các thị trường toàn cầu”.
Ngoài vấn đề Brexit là trọng tâm lớn nhất của Hội nghị G20, trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày họp, các đại diện của G20 cũng phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, vấn đề nổi lên sau khi ứng cử viên nặng ký thuộc đảng Cộng hòa cho vị trí Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục nói về việc hạn chế sự tiếp cận đối với các thị trường của nước này.
Tuyên bố sau hội nghị cũng cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn dẫn đến tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm, là nguồn gốc gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại.
Ngoài ra, các vấn đề như chủ nghĩa khủng bố, các nguy cơ địa chính trị và vấn đề người tị nạn cũng là những trọng tâm được đưa ra thảo luận trong hai ngày họp của các đại diện G20.