📞

Gái quê chắt bóp “mua”… chồng ngoại

15:35 | 09/04/2008
Các cô gái Việt cứ bằng mọi giá "xuất giá tòng... Tây", nhất quyết kiếm bằng được cho mình một anh chồng ngoại quốc, cốt chỉ để "cải thiện" kinh tế và hy vọng vào một "thiên đường" vật chất ở xứ người...

Đành rằng, việc lấy chồng người nước ngoài bây giờ cũng chả còn ai coi là chuyện xấu, là chuyện của mấy mợ "me Tây" các cụ xưa từng dè bỉu. Đến các đội bóng đá nước nhà bây giờ còn tranh nhau mua các cầu thủ "ngoại binh", thì chuyện trong một số gia đình có thêm chàng rể ngoại âu cũng là một lẽ thường tình .

Nhưng, sẽ rất không thường tình, khi đâu đó có các cô gái Việt cứ bằng mọi giá "xuất giá tòng... Tây", nhất quyết kiếm bằng được cho mình một anh chồng ngoại quốc, cốt chỉ để "cải thiện" kinh tế và hy vọng vào một "thiên đường" vật chất ở xứ người. Thân gái dặm trường thời nào cũng thế, đã sẩy chân thì hối cũng là muộn, đã trót "đa mang" thì phải "đeo bòng", để rồi suốt một đời âm thầm đắng cay và tủi hổ mà thôi...

Những câu chuyện buồn kể ra dưới đây, dù chỉ là ít ỏi, dù chỉ gói gọn loanh quanh trong một vùng quê, nhưng, cũng là chuyện về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như cụ Nguyễn Du kể về nàng Kiều xưa. Kể ra những chuyện này, cũng là xót xa, cũng là bức xúc, cũng là không thể nào kìm lòng thêm được nữa. Vả lại, cũng le lói chút hy vọng, biết đâu sau khi đọc những chuyện buồn này, sẽ có những “cô kếu tân thời" giật mình soi lại những tính toán mù quáng của đời mình, để mà kịp tỉnh ngộ trước ảo vọng, để mà kịp phanh lại trước khi đời con gái của mình lao xuống đáy vực thẳm.

Chuyện chẳng ở đâu xa. Nó diễn ra ngay ở một số xã ở vùng nông thôn Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, Hải Phòng. Nếu như trước đây, chuyện chú rể Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc tìm kiếm và kết hôn với cô dâu Việt ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, thì một vài năm gần đây, lại có nhiều chú rể ngoại quay trở ra phía Bắc để tìm vợ. Và thế là, những chuyện bi hài lấy chồng ngoại, những cuộc môi giới đầy toan tính, những “tuần trăng mật” đầy bất hạnh lại xuất hiện ngoài Bắc.

Theo thống kê của Sở Tư pháp và Thành hội Phụ nữ Hải Phòng, riêng trên địa bàn thành phố có khoảng 7.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Nhiều nhất trong số đó là huyện Kiến Thụy với 800 cuộc hôn nhân ngoại. Đặc biệt nhất là ở xã Đại Hợp của huyện này, chỉ tính đến tháng 4/2006, đã có trên 500 cô dâu Việt lấy chồng ngoại...

Lấy chồng ngoại không còn là chuyện lạ ở quê mình, chỉ lạ là thay vì các chú rể ngoại phải bỏ tiền cưới hỏi và lễ tạ cho bố mẹ vợ thì các cô dâu Việt quê ta lại phải bỏ ra trung bình 30 triệu đồng, tức là tương đương với 10 tấn thóc "một nắng hai sương" để lấy được một ông chồng ngoại, Đài Loan, Hàn Quốc hay Hồng Công gì gì đó...

Ngày nào cũng thế , trước cửa UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng cũng phất phơ tấm bảng niêm yết công khai danh sách những cô gái chuẩn bị lấy chồng nước ngoài, mà hầu hết là người từ Đài Loan, Hàn Quốc. Danh sách này chưa kịp gỡ xuống thì lại tiếp tục đến danh sách kia.

Gần đây, có trường hợp của cô Bùi Thị L. (23 tuổi) người ở thôn Đông Tác kết hôn với người chồng tương lai là Lee Cheng Tung (45 tuổi) người Đài Loan (đã từng 2 đời vợ), bây giờ với người vợ Việt này là lần thứ 3.

Ông Hoàng Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết: Hiện nay, toàn xã có 2.500 khẩu nhưng đã có 500 phụ nữ xuất cảnh diện lấy chồng nước ngoài. Thật sự đến giờ chính bản thân tôi vẫn luôn bất ngờ trước sự lấy chồng ngoại của nhiều phụ nữ trẻ...

Theo ông Tiến, sở dĩ, ông chưa thể quen với những cuộc hôn nhân ngoại kiểu này ở địa phương vì nó có quá nhiều điều kỳ quặc. Trước hết, đó là sự chênh lệch tuổi tác quá lớn giữa hai bên vợ nội - chồng ngoại. Thông thường, những cô gái Việt Nam mới chỉ ở độ tuổi qua "trăng tròn" mười tám, đôi mươi nhưng những chú rể Đài Loan, Hàn Quốc đã "xế bóng" ngũ thập, lục thập cả rồi.

Điều "lạ đời" nữa là, trong những cuộc hôn nhân này, những người đàn ông ngoại vốn thường được coi là có sức hấp dẫn lớn với nhiều cô gái trẻ lại là những người bị khiếm khuyết về cơ thể, bị dị tật bên ngoài, từng trục trặc trong hôn nhân và đều là những người có thu nhập thấp hoặc công việc không ổn định như lái xe, làm nghề đơn giản, buôn bán nhỏ, nội trợ hay cũng làm ruộng...