TIN LIÊN QUAN | |
Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam? | |
ILO: 85% lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc cao |
“Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động?” – là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm tại Đối thoại chính sách quốc gia về việc làm trong thời gian tới, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH) phối hợp với ILO tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội.
Nguy cơ lao động mất việc làm do tự động hóa
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu vào năm 2025.
Dự báo gần 90% lao động lĩnh vực dệt may có nguy cơ bị mất việc làm do tự động hóa (Ảnh minh họa) |
Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển dần theo xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, đó là tăng năng suất lao động nội ngành thông qua đổi mới công nghệ, trong đó ngành điện tử và dệt may – da giày là tâm điểm của câu chuyện này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xu hướng công nghệ mới đem lại những thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, người lao động. Làm sao bảo đảm hài hòa giữa đòi hỏi tăng năng suất lao động do tự động hóa đem lại và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động.
Theo nghiên cứu mới nhất của ILO: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể bị thay thế bởi robot.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, bởi giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ.
“Nhưng câu hỏi ở đây không phải là liệu có hay không mà vấn đề chỉ là khi nào. Chắc chắn trong những năm tới sẽ có sự chuyển dịch vì chi phí công nghệ sẽ giảm trong khi chi phí lao động tăng lên” – Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Lamotte nói.
“Đi trước đón đầu” tự động hóa như thế nào?
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xu hướng tự động hóa là tất yếu và trong thời gian tới, nếu không bắt kịp được với công nghệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan chia sẻ thông tin tại Đối thoại. |
Điều gì sẽ xảy ra nếu robot sẽ thay thế con người, trong khi chúng ta vẫn tự hào là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ? Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong 5 – 10 năm tới, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đặt ra rất bức xúc. Dự báo tự động hóa sẽ kéo theo tình trạng mất việc làm gia tăng, đây là bài toán ra rất nan giải.
“Để giải quyết vấn đề này, cần chiến lược tổng thể, đồng bộ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế và từng lĩnh vực. Bản thân các ngành dệt may, giày dép, điện tử phải tái cấu trúc lại để tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn, mang tính cạnh tranh toàn cầu. Bởi đã qua thời chúng ta dựa vào lao động giản đơn, giá rẻ” – ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết số lao động dôi dư (theo dự báo) trong ngành dệt may, giày da dưới áp lực của khoa học công nghệ, việc phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng; đặc biệt trong cách ngành kinh tế khác như nông nghiệp gắn với công nghệ cao, dịch vụ, du lịch… những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. Từ đó có thể thu hút được một phần lao động dôi dư trong quá trình tái cấu trúc ngành dệt may, giày da hay điện tử.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề, nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ.
Thế hệ trẻ nên theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bởi người lao động theo học các ngành khoa học này thường được người sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất tìm kiếm. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bạn nữ trẻ, bởi phụ nữ dễ bị nguy cơ mất việc hơn nam giới khi tự động hóa trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam? Công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn ... |
Vào EVFTA: Tăng cơ hội việc làm ở nhiều ngành Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dự báo, lực lượng lao động trong một số ngành ... |
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ từ Bỉ Các giải pháp mới nhất trong lĩnh vực dệt may của Vương quốc Bỉ vừa được giới thiệu nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp ... |