Nguyễn Đỗ Thảo Đan hiện là sinh viên năm thứ 4, Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Là sinh viên chính trị nhưng cô gái này rất thích học luật. Đây cũng lý do giúp cô mạnh dạn hơn khi là 1 trong 3 sinh viên được nhà trường chọn lựa tham dự cuộc thi hùng biện được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia cuối tháng 9 vừa qua.
Cô sinh viên duyên dáng Nguyễn Đỗ Thảo Đan. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Rèn luyện để... không run trước đám đông
Đề tài về nhân quyền vốn khó và nhạy cảm. Bước vào cuộc thi, thí sinh đại diện cho Việt Nam lại bốc thăm đúng chủ đề hóc búa: “Quyền được sống trong hoà bình có phải là một quyền con người hay không?”. Để tự tin thể hiện hùng biện, Thảo Đan đã phải tìm đọc những tài liệu cơ bản như tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp Việt Nam...
Trong thời gian chuẩn bị, cô sinh viên Học viện Ngoại giao cũng được các anh chị ở Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) gửi tài liệu trợ giúp. Mọi người động viên cô cố gắng thi tốt nhất nhưng cũng không quá kỳ vọng vì những năm trước, các thí sinh Việt Nam thường không đạt kết quả cao vì lý do hạn chế ngoại ngữ và việc tìm hiểu kiến thức chưa sâu so với thí sinh các nước bạn.
Nhưng rồi, cô gái chưa từng tham gia cuộc thi hùng biện nào như Thảo Đan lại mang về kết quả đáng ngạc nhiên. Cô cho biết, bài hùng biện của cô được đánh giá cao là tầm quan trọng của chủ đề và yêu cầu tiếp cận theo hướng phủ nhận “Quyền được sống trong hoà bình không phải là một quyền con người”.
Trong thời gian 4 ngày diễn ra cuộc thi, cô được ghép cặp với hai sinh viên đến từ hai nước khác nhau nên có cơ hội giao lưu và học hỏi nhiều điều. Tại đây, 30 sinh viên đến từ 10 nước cũng có cơ hội được gặp gỡ các Đại sứ của các nước tại Kuala Lumpur và được nghe quan điểm của họ về nhân quyền. Một điều Thảo Đan thấy đặc biệt là AICHR rất minh bạch trong việc liệt kê những điều mà họ chưa làm được. Cô nhận thấy, các nước đều có đầu tư kỹ cho các thí sinh tham gia dự thi, như Malaysia còn có riêng một đơn vị là Cục Hùng biện và Phát biểu trước công chúng giúp tư vấn cho sinh viên.
Sau cuộc thi, Thảo Đan đã nắm chắc về khái niệm nhân quyền. Quyền này được quy định trong các bộ luật như thế nào và thực tế về các trường hợp nhân quyền bị vi phạm ở các nước. Ngoài ra, cô sinh viên Việt Nam cũng học hỏi được nhiều từ bạn bè các nước về cách làm việc, xử lí thông tin giúp bản thân tự tin hơn.
Nguyễn Đỗ Thảo Đan được trao giải Nhất tại Cuộc thi hùng biện trẻ về Nhân quyền. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Thảo Đan cho biết, cô có ý định sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi hùng biện ở châu Á. Cũng theo cô, muốn trở thành nhà hùng biện tốt, mỗi người cần phải có một sự chuẩn bị tốt cả về kiến thức và về tâm lí. “Nhiều người nghĩ hùng biện là phải ăn to nói lớn, nhưng hùng biện nên tránh những từ hoa mĩ, lập luận phải không có chỗ hổng, câu từ rõ ràng và đi thẳng vào nhiều khía cạnh của vấn đề. Đặc biệt, một kinh nghiệm khác là cần phải rèn luyện để không bị run khi đứng trước đám đông và có tài ứng biến tốt”, cô nói.
Chia sẻ suy nghĩ khi trở thành công dân ASEAN, cô sinh viên Học viện Ngoại giao cũng cho rằng, các bạn trẻ cần phải rèn luyện nhiều mặt để có thể hội nhập tốt với các nước. Bản thân Thảo Đan thấy rằng, hiện nay nhiều người trẻ còn thờ ơ với những vấn đề ngoại giao và chính trị. Trong thời kì hội nhập, ai cũng cần phải có những kiến thức toàn diện về ASEAN cũng như vị trí, vai trò, thành tựu và những điều Việt Nam có thể đóng góp cho tổ chức này.
Thần tượng bà Tôn Nữ Thị Ninh
Trước khi được biết đến là một nhà hùng biện trẻ, Nguyễn Đỗ Thảo Đan là một nữ sinh xinh đẹp và có thành tích học tập xuất sắc. Cô từng là Thủ khoa đầu vào của khoa Chính trị Chính trị Quốc tế và Ngoại giao và là một trong những thí sinh nổi bật tại cuộc thi Miss Ngoại giao 2015.
Trước đây, ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cô cũng là một nữ sinh năng động và học giỏi, từng đạt giải Nhì cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2011-2012 và đạt giải Ba cuộc thi Học sinh giỏi Thành phố môn Tiếng Anh năm 2012-2013.
Nói về bí quyết học tập, Thảo Đan cho biết, cô không phải là “mọt sách” mà là người biết lập một kế hoạch cũng như thời gian biểu học hợp lí cho từng môn, đọc nhiều tài liệu tiếng Anh và biết cân bằng việc học với hoạt động xã hội. Ngoài thời gian dành cho việc học, cô gái duyên dáng này rất thích múa ballet, shoping, đi du lịch để tìm hiểu văn hoá và khám phá ẩm thực các nước.
Thảo Đan mong muốn trở thành một nhà ngoại giao tài giỏi như bà Tôn Nữ Thị Ninh. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Thảo Đan chia sẻ, cô thực sự là người hướng nội hơn hướng ngoại nhưng từ khi học ở Học viện Ngoại giao, cô đã thay đổi khá nhiều. Bản thân đang theo đuổi chuyên ngành chính trị - được coi là khó cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như cơ hội việc làm nhưng cô cho rằng, Học viện Ngoại giao là một môi trường đào tạo rất tốt với đầu ra sinh viên chất lượng và năng động. Với cô, chính trị là một ngành học thách thức và thú vị. Vì vậy, ước mơ sau này của cô sẽ được làm đúng ngành nghề mình đã được đào tạo.
Có một hình tượng nhà ngoại giao nữ là cô gái này luôn hâm mộ là bà Tôn Nữ Thị Ninh. Theo cô, bà Ninh cho thấy hết những lợi thế và phẩm chất của một nhà ngoại giao với học thức sâu rộng, trí tuệ và luôn bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Việt. Trong tương lai, nếu trở thành nhà ngoại giao, cô cũng mong muốn sẽ giữ tác phong điềm đạm, mềm dẻo, linh hoạt nhưng luôn giữ vững lập trường.
Phần lập luận xuất sắc trong bài hùng biện theo chủ đề "Quyền được sống trong hoà bình có phải là một quyền con người hay không?” của Nguyễn Đỗ Thảo Đan: - Các khái niệm và định nghĩa về giá trị hoà bình và chiến tranh, còn gặp phải nhiều mâu thuẫn. Trong một số trường hợp, “hòa bình" được xác định bởi một chính phủ khác với “hòa bình" được xác định bởi một nhóm người bị cách ly hay dễ bị tổn thương hoặc một nhóm người bản địa. Trong những trường hợp khác, nếu được coi là một quyền con người, quyền hòa bình có thể xung đột với các quyền khác của con người. Ví dụ, Indonesia kiểm soát Timor-Leste. Nếu quyền hòa bình thực sự là một quyền con người, Timor Leste sẽ không được hưởng quyền tự quyết để có được độc lập, vì điều này mâu thuẫn với quyền được sống trong hòa bình của Indonesia. Như vậy, quyền hòa bình có thể tước đi quyền hợp pháp của một dân tộc để tự vệ, để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. - Hòa bình thường được hiểu là không xuất hiện chiến tranh hay xung đột. Tuy nhiên, không phải tất cả các nỗ lực viện đến xung đột và bạo lực là xấu. Cấu trúc hệ thống thế giới là vô chính phủ. Thế giới thiếu đi một cơ quan tối cao hay một sức mạnh cưỡng chế để giải quyết tranh chấp. Như vậy, nếu một nước muốn hòa bình, nước đó phải chuẩn bị cho chiến tranh. Bạo lực không nhất thiết dẫn đến những kết quả tiêu cực và đôi khi, bạo lực thậm chí là cần thiết. Hoà bình không phải luôn được tôn sùng và chiến tranh nhiều khi là cần thiết. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng vi phạm nhân quyền. Có những cuộc chiến, ngược lại, đã đòi lại quyền cho nhân dân, ví dụ như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của Việt Nam. |