Buổi giao lưu có sự góp mặt của các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt nam cùng đông đảo những người bạn nước ngoài yêu mến văn hóa Việt Nam.
Các khách mời tại buổi giao lưu (Ảnh T.T) |
Phát biểu tại đây, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ nhấn mạnh đến vai trò của các đại sứ nhân dân giữa hai nước đã được tiến cử, đặt những viên gạch đầu tiên cho các tiếp xúc về văn hóa chính thức giữa hai nước. Đó là các nhà khoa học, các nhà văn, bác sĩ, các nhà hoạt động xã hội của Việt Nam và từ Mỹ là các đại diện tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động nhân đạo...
Bước vào giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến cũng mạnh dạn cho rằng, mức độ giao lưu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng về văn hóa của hai nước. Điều ông mong muốn là phải làm sao để "hòn đá tảng văn hóa", mà trên đó quan hệ hai nước được xây dựng, là một tổng thể của mọi mối trao đổi phong phú, sâu rộng và bền chặt các giá trị nhân văn. Theo ông, nhân dân hai nước cần làm giàu cho nhau bằng giao lưu về khoa học xã hội, trao đổi các tiểu thuyết, các dòng thơ ca xuất sắc cũng như cần tổ chức nhiều hơn các cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng.
Tại buổi gặp gỡ này, Nhà xuất bản Thế giới và Nhà xuất bản Ohio University Press (Mỹ) đã cho ra mắt cuốn sách “Vietnam: Tradition and Change” (Việt Nam: Truyền thống và đổi thay) cùng với cuốn “Hồ sơ văn hóa Mỹ” của nhà văn hóa Hữu Ngọc được tái bản lần thứ 3. Cả hai cuốn sách đều là những công trình, tư liệu văn hóa đặc sắc, bổ ích đối với độc giả hai nước.
Ra mắt cuốn sách “Vietnam: Tradition and Change” (Ảnh T.T) |
Tham gia giao lưu, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết, “Vietnam: Tradition and Change” là công trình của hai tác giả người Mỹ gồm Lady Borton và Collinz rút gọn lại còn 300 trang từ tập “Wandering thruogh Vietnamese Cultur” (1200 trang) của ông. Trong cuốn sách của hai tác giả người Mỹ, có kèm theo bình luận và chú thích rất công phu.
Cuốn sách này là những cảm tưởng, ghi chép, bài nghiên cứu, phóng sự, phỏng vấn, đối thoại, bản dịch thơ và văn xuôi, bảng tóm tắt tác phẩm, có cả thống kê và bảng khái quát - đa số của tác giả, nhưng cũng có những đóng góp của bạn bè Mỹ và nước ngoài khác, những bài của báo chí quốc tế...
Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ, trước đây, nhiều người nước ngoài nghĩ văn hóa Việt Nam chỉ là cái đuôi của văn hóa Trung Quốc. Khi tuyên ngôn Việt Nam độc lập năm 1945 Hồ Chí Minh đã lấy lại cái tên Việt Nam (đất nước người Việt Nam ở phía Nam) vứt bỏ tên An Nam (đất phía Nam đã bình định) do đế chế Trung Hoa đặt ra khi cai trị nước ta mà đế quốc Pháp dùng lại. Ông khẳng định, Việt Nam cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, dù chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc, nhưng đều khẳng định văn hóa dân tộc riêng của mình.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc ký tặng sách tại buổi giao lưu. (Ảnh T.T) |
Là khách mời giao lưu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, bẳng sự giao lưu qua các tác phẩm văn học, nhân dân hai nước có thể hiểu nhau hơn cũng như có thể tìm thấy tiếng nói chung.
Đề cao sự hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực sân khấu giữa hai nước trong suốt thời gian qua, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam nhắc tới vở kịch kinh điển "Tất cả đều là con tôi’’ (All my sons) của tác giả Mỹ Arthur Miller đã được dàn dựng rất thành công nhân kỉ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2015. Đây là kết quả của dự án mang tên “Đại sứ Văn hoá” nhằm “Nâng cao kĩ năng diễn xuất cho diễn viên trẻ và tiếp cận nghệ thuật sân khấu Mỹ qua một tác phẩm kịch nói của Arthur Miller” do Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa kỳ tại Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ. Vở kịch này được đánh giá là một trong “100 kiệt tác sân khấu thế giới” đã gây ấn tượng và xúc động đặc biệt cho khán giả Việt Nam.
Buổi giao lưu còn có mặt những người bạn Mỹ thân thiết của Việt Nam. Bà Nina McCoy, một nhà nghiên cứu đang làm việc tại Hà Nội đã nói lên những tình cảm đặc biệt dành cho văn hóa và con người Việt Nam. Bà cho biết, bà đến Việt Nam làm việc từ năm 1979 và đã làm nhiều công việc khác nhau như dạy tiếng Anh, y tế cộng đồng... Đến nay, là một người bạn thân thiết của Hội Việt Mỹ, bà vẫn không ngừng đóng góp cho việc giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Tại đây, ông John Reilly - Chủ tịch Nhóm FVH (Những người bạn của Di sản Việt Nam) cũng chia sẻ sự quan tâm của ông dành cho các di sản văn hóa tại Việt Nam. Được biết, ông John Reilly cùng những người bạn trong nhóm FVH đã hợp tác tích cực với Nhà xuất bản Thế giới trong việc cho ra đời nhiều cuốn sách nhằm quảng bá văn hóa và di sản Việt Nam tới bạn bè khắp thế giới.