Quang cảnh buổi gặp mặt chúc Tết các cán bộ lão thành, học giả, chuyên gia có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực của UNESCO. (Ảnh: Lê An) |
Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Vinh Quang - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), đã thông tin tới các đại biểu những kết quả nổi bật của công tác năm 2022 và phương hướng công tác năm 2023 của Ủy ban.
Trong đó, có những dấu ấn quan trọng: Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể; đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2018-2022; đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng tư vấn về Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2024.
Năm 2022, Việt Nam cũng tham dự và phát biểu tại nhiều Hội nghị cấp toàn cầu UNESCO như Lễ khai mạc Năm quốc tế về Khoa học công nghệ vì sự Phát triển bền vững tại UNESCO tháng 7/2022; Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại New York, tháng 9/2022; Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững (MONDIACULT 2022) tại Mexico tháng 9/2022...
Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang thông tin về công tác Ủy ban năm 2022. (Ảnh: Lê An) |
Đặc biệt, Tổng giám đốc Audrey Azouley đã có chuyến thăm tốt đẹp đến Việt Nam. Bà đã tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972-2022 và Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chuỗi hoạt động ý nghĩ như Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”, ra mắt sách song ngữ Việt – Anh “Tình cảm nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”...
Năm qua, Việt Nam đã có đạt 4 di sản/danh hiệu UNESCO: Thành phố học tập toàn cầu UNESCO - Cao Lãnh; Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Bia Ma Nhai Ngũ Hành Sơn; Hệ thống văn bản làng Trường Lưu. Việt Nam cũng đã đón nhận Bằng UNESCO ghi danh: Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Hát Then, Nghệ thuật Xòe Thái; TP. Cao Lãnh.
Bên cạnh những kết quả toàn diện trong các lĩnh vực: dân chủ, nhân quyền tại diễn đàn UNESCO, giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, Tổng Thư ký Phạm Vinh Quang cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức như ảnh hưởng của đại dịch Covid và xung đột Nga-Ukraine, ngân sách bị cắt giảm, sự phối hợp còn hạn chế và nhận thức của các địa phương về ông tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản...
Về phương hướng năm 2023, ông Phạm Vinh Quang cho biết Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt xu thế hợp tác, chuyển biến chính sách; tăng cường phối hợp giữa Ủy ban và các cơ quan; phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại UNESCO; vận động ứng cử vào Uỷ ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; triển khai MOU Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025...
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Lê An) |
Tại buổi gặp mặt, nhiều đại biểu đã chúc mừng những thành quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm qua và đóng góp ý kiến cho công tác hoạt động của Uỷ ban trong thời gian tới.
Đó những chia sẻ của “những cây đa cây đề” trong lĩnh vực UNESCO như nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, GS.TS Lưu Trần Tiêu, GS. TS Trần Văn Nhung, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, TS Vũ Thị Minh Hương, Đại sứ Trịnh Đức Dụ, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn...
Giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam từ năm 1987-2000, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên rất tự hào vì đã vinh dự làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO 24 ra Nghị quyết tôn vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp cho sự kiện Hà Nội được vinh danh là Thành phố vì hòa bình, chứng kiến những di sản đầu tiên của Việt Nam là Huế, Hội An, Mỹ Sơn, sau đó là Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận...
Ông Nguyễn Dy Niên xúc động: “UNESCO đối với tôi như máu với thịt, cứ nói đến văn hóa là chìm đắm trong niềm đam mê với văn hóa. Tôi mong các anh chị em trong Ủy ban đã lựa chọn dấn thân vào công việc này thì cố gắng làm hết mình cho đất nước, dân tộc và cho chính bản thân chúng ta. Tôi nay dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn muốn truyền cảm hứng ấy cho đại gia đình UNESCO”.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Lê An) |
Lắng nghe các ý kiến đóng góp cùng những biểu dương, động viên dành cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chủ tịch Hà Kim Ngọc gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu và nhấn mạnh “đây là những lời chỉ huấn hết sức giá trị dành cho đại gia đình UNESCO”.
Ông cho biết thế hệ đi sau học hỏi được rất nhiều từ điều tâm huyết, những bài học kinh nghiệm quý cả trong công tác vận động, hợp tác và phối hợp của các cán bộ lão thành để đạt những kết quả hiện nay.
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi lời cảm ơn các Chủ tịch Ủy ban qua các thời kỳ Đại sứ Lê Công Phụng, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cùng các lãnh đạo các tiểu ban qua các thời kỳ như GS.TS Lưu Trần Tiêu, NSND Lê Tiến Thọ, TS Đặng Thị Bích Liên, GS.TS Đặng Nguyên Anh.., các Đại sứ từng là Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Paris qua các thời kỳ như Đại sứ Trịnh Đức Dụ, Đại sứ Dương Văn Quảng, Đại sứ Lê Hồng Phấn... đã luôn có quan tâm, sự tâm huyết và trợ giúp cho các hoạt động Ủy ban những năm qua.
Đồng thời, nhân dịp Tết Quý Mão, ông Hà Kim Ngọc cũng gửi lời chúc Tết đến các đại biểu và cảm ơn các học giả, nhà văn hóa, chuyên gia đã tận tâm, đầy trách nhiệm với đất nước giúp hoàn thiện các hồ sơ trình UNESCO, đóng góp những thành tựu văn hóa quan trọng cho đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự. (Ảnh: Lê An) |
Biểu dương Ủy ban và Ban Thư ký Ủy ban đã nỗ lực trong công tác để đạt được những thành tích trong năm qua, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc khẳng định các ý kiến đóng góp tâm huyết tại cuộc gặp như đẩy mạnh mảng giáo dục, tăng cường nhận thức của địa phương trong việc khai thác và bảo tồn các di sản, công tác hoàn thiện hồ sơ di sản đê nghị UNESCO... sẽ được tiếp thu và đưa vào chương trình hành động của Ủy ban trong thời gian tới.