📞

Gặp "ông Tây" thích nói lái ở đất Quảng

10:31 | 04/10/2016
Hơn 20 năm sinh sống tại Việt Nam, giỏi tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt hơn rất nhiều người Việt, lấy vợ Việt, ở nhà Việt, Markus Madeja dễ khiến người ta lầm tưởng anh được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. 

Tôi biết anh từ nhiều năm trước, cũng từng có một thời gian làm việc cùng anh. Tôi luôn có hai câu hỏi về con người này mà chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng: Làm cách nào mà anh ta giỏi tiếng Việt còn hơn nhiều người Việt chính cống? Và điều gì khiến “ông Tây” Thụy Sỹ này lại mê Việt Nam đến thế, nhất là nền ẩm thực?

Markus Madeja. (Ảnh: N.Vĩnh)

Trong chuyến công tác tại Quảng Nam mới đây, tình cờ tôi gặp lại Markus và vợ con. Trông anh không chỉ “rất Tây”, “rất Việt” mà giờ còn “rất Quảng” nữa. Một câu chuyện chóng vánh không đầu không cuối bên cạnh cốc trà đá giữa tôi và anh, vẫn như mọi khi, Markus luôn khiến người ta bị lôi kéo bằng sự hòa đồng thân thiện và đôi khi “đá nhéo” người đối diện bằng đôi mắt và cái chân mày hóm hỉnh.

Chuyển cả gia đình vào Quảng Nam sống, anh cảm thấy thế nào?

Tôi thích Quảng Nam. Cái gì cũng thích. Không khí trong lành và đồ ăn rất ngon. Bây giờ tôi biết phân biệt các loại cá biển, loại nào ở vùng biển Quảng Nam, loại nào nhập về từ vùng biển khác. Là người làm ẩm thực lâu năm, tôi thấy người thành phố các chị chế biến cá cầu kỳ hơn, mắm, muối, dầu, hạt nêm, nghệ… nhưng ăn không ngon bằng ngư dân ở đây chế biến đơn giản. Cá sống cho vào vài hạt muối, quả khế, trái ớt là xong, không cần dầu, nghệ gì hết. Ăn như vậy mới nhận thấy mùi vị thực của cá.

Anh ấn tượng với điều gì ở mảnh đất Quảng này nhất?

Ở đây người ta nói lái nhiều thật, nhờ vậy mà tôi học được rất nhiều về ngôn ngữ. Nói lái mãi quen rồi, giờ thì thấy rất dễ hiểu và thú vị. Ra Hà Nội tôi nói lái ít người hiểu. Cái hấp dẫn trong cách nói lái của dân hay cãi là chỉ một câu nói có thể đảo ngược lại thành hai, ba câu, mà nghĩa thì hoàn toàn khác nhau, quá phong phú!

Anh thử nói lái cho tôi “mục sở thị” với?

À tôi cũng biết nói lái là người ta chỉ nói ngay trong lúc đó, hoàn cảnh đó thôi chứ ít khi viết ra để “lái”, để “chơi” nhau. Ngày trước thì các cụ hay nói lái để chơi chữ trong văn chương còn giờ thì cách nói này cũng đã "ăn nhập" vào đời sống nhiều rồi. Chẳng hạn người ta nói chơi đề - chê đời, chôm đồ nhà - chà đồ nhôm, hay “Chưa đi chưa biết Quảng Nôm, Đi rồi mới biết tôm là con tơm”... (cười lớn)

Markus Madeja cùng cộng sự. (Ảnh: N.Vĩnh)

Nói lái không hề dễ với nhiều người Việt, huống chi anh là người nước ngoài. Bao nhiêu năm tôi vẫn cứ tự hỏi, bằng cách nào mà anh giỏi tiếng Việt đến thế?

Nhờ mê sách, mê nhạc. Nhưng phải nhắc lại căn nguyên sâu xa. Ngay từ những ngày đầu tới Việt Nam tôi đã mê đất nước và con người nơi đây. Lúc đó, dù chưa biết tiếng Việt, nhưng sự cởi mở, thân thiện, chất phác của người dân Việt Nam đã khiến tôi thấy như không còn khoảng cách. Tôi quyết tâm học tiếng Việt, vì chỉ có hiểu được ngôn ngữ thì anh mới hiểu được văn hóa và con người của họ. Rồi từ niềm đam mê đọc sách, ca hát, thậm chí tôi còn đi hát karaoke những bài hát Việt. Trình độ tiếng Việt của tôi tốt dần lên.

Chứ không phải vì anh đã phải lòng và cưới một cô vợ người Việt à?

Đó là một câu chuyện dài và đẹp!

Markus Madeja (sinh năm 1969), có tên Việt Nam là Sơn, là doanh nhân người Thụy Sỹ. Năm 1993, Markus Madeja đến Việt Nam để hoàn thành luận án tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Zurich, Thụy Sỹ.

Năm 1999, Markus Madeja, chị Vũ Thị Thoa cùng với một người bạn là Dan Dockery (người Anh) thành lập Công ty CP Xa lộ 4 với chuỗi nhà hàng Highway4 và đồ uống Sơn Tinh.

Cuối năm 2011, Markus Madeja và Dan Dockery vinh dự là khách mời của Chương trình Người Đương Thời - VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Markus kết hôn với chị Thoa, có 2 con trai và gia đình hiện sinh sống tại Hội An. Vợ chồng anh thường xuyên di chuyển giữa Hội An và Hà Nội để điều hành công việc.

Khi đến Việt Nam, anh không hề có ý tưởng sẽ lập nghiệp tại đây. Điều gì khiến anh gắn bó với mảnh đất này?

Rất tình cờ, gần như là một cơ duyên. 20 năm trước, tôi mê đi phượt, nhất là các chuyến đi tới miền núi phía Bắc. Tôi cũng mê ẩm thực Việt Nam, mê các loại trái cây vùng nhiệt đới đầy ánh nắng. Ẩm thực Việt Nam với các món ăn, đồ uống rất tuyệt, tinh tế và cầu kỳ không thua kém nền ẩm thực nào trên thế giới. Tôi nghĩ cần phải làm gì đó để bảo tồn và phổ biến nền ẩm thực Việt Nam đến nhiều người hơn. Và Công ty Xa Lộ 4 với 2 nhãn hàng Quán Highway4 và đồ uống Sơn Tinh ra đời.

Vậy có thể hiểu là anh mê ẩm thực nên kinh doanh về nó?

Phần lớn là thế. Nhưng một phần nữa, chị biết đấy, tôi khá ham vui. Mở quán ăn giúp tôi có nhiều cơ hội để gặp gỡ giao lưu với bạn bè. Chị đừng nghĩ tôi “thực dụng”, ẩm thực luôn là thứ giúp mọi người trên trái đất này xích lại gần nhau hơn.

Anh thích món Việt Nam nào nhất?

Rất nhiều, không kể hết được đâu. Tôi rất thích các món làm từ cá của Việt Nam. Nguyên chất và rất đậm đà. Chính vì thế mà ở Highway4, món nem cá của chúng tôi luôn là món “best seller” đấy.

Markus Madeja đã có 20 năm nghiên cứu và kinh doanh ẩm thực Việt Nam. (Ảnh: N. Vĩnh)

Kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp của anh đã hội nhập như thế nào?

Sau khi luật doanh nghiệp ra đời, Chính phủ Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội cho người khởi nghiệp. Chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam rất năng động, người Việt Nam trẻ rất lạc quan và giàu năng lượng. Chúng tôi đã khởi nghiệp từ những năm 2000 trong sự phát triển và chuyển mình mạnh mẽ của cả nền kinh tế Việt Nam.

Hiểu về văn hóa Việt, tâm huyết và dồn thật nhiều công sức, tôi và các cộng sự Việt Nam đã cùng nhau xây dựng doanh nghiệp trong hơn 15 năm qua. Nguyên lý kinh doanh chính là câu chuyện về xã hội. Nếu hiểu xã hội anh sẽ biết cách kinh doanh. Còn công việc chuyên môn ư? Chúng tôi thuê những người có năng lực làm việc và trả lương cho họ.

Anh gặp phải những khó khăn gì trong kinh doanh và cuộc sống do sự khác nhau giữa 2 nền văn hóa Việt Nam và Thụy Sỹ?

Kinh doanh tại nước ngoài luôn là một điều không dễ. Với tôi cũng vậy. Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải đó là rào cản về văn hóa và ngôn ngữ. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để học, tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Thậm chí, tôi còn học cả tiếng của người H’Mông, một dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tôi may mắn vì có nhiều người bạn Việt Nam quý mến, luôn giúp và đồng hành trong những ngày đầu lập nghiệp nhiều thất bại.

Cảm ơn anh, chúc anh luôn hạnh phúc và thành công!

(thực hiện)