Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương. (Nguồn: VIR) |
Xuất khẩu thủy sản có khả năng đạt 10 tỷ USD
Thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá.
Do vậy, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Tin liên quan |
Vì nghề cá có trách nhiệm của Việt Nam |
Từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Thị trường Liên minh châu Âu (EU) từ vị trí thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 kể từ năm 2018.
Chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài, 100% lô hàng hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU đều bị giữ lại để kiểm tra, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.
Báo cáo tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam - EU 2022 mới đây do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức cho thấy, trong 10 năm qua xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dao động từ 1,1-1,5 tỷ USD/năm.
EU luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam lớn nhất. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD vào năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD vào năm 2020).
Dự báo về triển vọng xuất khẩu của ngành thủy sản nếu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm hoàn tất các khuyến nghị để EC gỡ “thẻ vàng” IUU, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: “Thủy sản có thể là mặt hàng đạt trị giá 10 tỉ USD vào cuối năm nay”.
Nỗ lực gỡ "thẻ vàng"
Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản, triển khai hàng loạt biện pháp phát triển bền vững thủy sản - ngành xuất khẩu mũi nhọn của nước ta, cũng là nhằm đáp ứng những khuyến nghị từ phía EC về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 20/9. (Nguồn: VnEconomy) |
Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương; nỗ lực để sớm chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Việc này không chỉ vừa bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân, mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế.
Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/9/2022. Mục tiêu chung là tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…
Cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU…
Để làm được điều này, đề án đã đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách; đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá…
“Chúng ta cần phải nhắc nhau rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành |
Bên cạnh đó, muốn giảm khai thác IUU thì Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phát triển nghề cá bền vững; xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng ngư dân…
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.
Đồng thời cần xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.
“Phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; đánh bắt sai vùng, sai tuyến”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng. Phải tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản con non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
Ngày 4/10, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, EC đã đưa ra 4 khuyến nghị rất rõ ràng: Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Quản lý đội tàu chặt chẽ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đồng bộ theo chuỗi; thực thi pháp luật, xử lý triệt để. |
| Phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác ... |
| Phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp Ngày 14/9/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo ... |
| Thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất 500 triệu USD/năm vì thẻ vàng IUU; nhờ CPTPP, xuất khẩu cá tra sang Mexico khởi sắc; ... |
| EC đánh giá cao nỗ lực khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU của Việt Nam, trực tiếp kiểm tra vào quý I/2022 EC đánh giá rất cao những chuyển biến của Việt Nam trong nỗ lực khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU, về cơ bản EC đồng tình ... |
| Áo sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Áo tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị ... |