📞

GDP 9 tháng tăng trưởng 2,12%, thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn khả quan so với thế giới

Minh Hòa 21:06 | 29/09/2020
TGVN. Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng vẫn là mức tăng đáng lạc quan so với thế giới.

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi Họp báo. (Ảnh: MH)

Tại buổi họp báo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn thành công lớn trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế và tăng trưởng vẫn ở mức khá so với thế giới".

Xuất khẩu - điểm sáng 9 tháng đầu năm

Từ tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, đến thời điểm giữa tháng Chín, khi các nền kinh tế tái khởi động hậu phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tại Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy hoạt động thương mại quốc tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%. Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức 16,99 tỷ USD.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Số liệu thống kê cho thấy, GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020, song đây vẫn là mức khá trong bối cảnh Covid-19.

Trước đó, nhất là sau khi Covid-19 quay trở lại, nhiều dự báo cho rằng, kinh tế quý III sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các con số thống kê cho thấy, do dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020.

Các lĩnh vực khác có xu hướng tốt lên

Cũng theo Tổng Cục Thống kê, trong mức tăng này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; dịch tả lợn châu Phi; dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, lúa Đông Xuân và Hè Thu được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục; xuất khẩu tôm bước đầu khởi sắc.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: MH)

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2020 đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Hoạt động thương mại, vận tải trong nước tháng Chín có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta tiếp tục đạt thấp do Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quý I/2020.

Từng bước khôi phục hoạt động

Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, một số địa phương trong vùng dịch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, từng bước khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế đã tác động đến kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trong tháng 9/2020.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 9 tháng giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.