📞

Gen Z Trung Quốc - thế hệ lười kết hôn, ngại sinh con, sẵn sàng theo đuổi đam mê cá nhân

Châu An 20:16 | 28/05/2022
Không phải chịu nhiều áp lực về kinh tế so với các thế hệ đi trước, người trẻ Trung Quốc thuộc thế hệ Z (Gen Z) đang ngày càng lười kết hôn và ngại sinh con. Đa phần đều muốn tập trung cho công việc, sự nghiệp hoặc theo đuổi những sở thích, đam mê cá nhân.
Không còn gánh trên vai quá nhiều áp lực kinh tế, Gen Z Trung Quốc không ngần ngại theo đuổi những đam mê, sở thích cá nhân. (Nguồn: SCMP)

Sophia Xie, 22 tuổi, cử nhân vừa tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu ở Thâm Quyến cho biết, khóa của cô có 100 sinh viên tốt nghiệp năm nay nhưng chỉ có 10 người có kế hoạch kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

“Nhiều người khác dự định học thạc sĩ ở nước ngoài, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức ở địa phương hoặc thậm chí chấp nhận thất nghiệp ở nhà cho đến khi tìm được công việc theo ý muốn. Nhiều bạn bè cùng trang lứa của tôi chọn tự nguyện thất nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố lớn”, cô nói.

Mùa Hè năm nay được đánh giá sẽ là một mùa tuyển dụng vô cùng khó khăn đối với thị trường lao động Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu suy thoái và số lượng lao động trẻ đang có xu hướng giảm.

Hôn nhân và sinh con không còn là mục tiêu hàng đầu

Sohia Xie là điển hình cho lớp thanh niên thuộc thế hệ Z của Trung Quốc, những người sinh từ khoảng năm 1997 đến 2009. Trung Quốc dự kiến đón số lượng kỷ lục, khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp thuộc thế hệ Z trong năm nay.

Tuy nhiên, Zhaopin - website chuyên về tuyển dụng trực tuyến, số đơn vị, cơ sở lao động muốn tuyển sinh viên mới tốt nghiệp đã giảm 4,5% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù nhiều người cho rằng đây có thể là năm khó tìm việc nhất nhưng nhiều bạn cùng trường của tôi vẫn có thể nhận được lời đề nghị với mức lương khởi điểm khoảng 6.000 đến 10.000 NDT/tháng (gần 1.500 USD) nếu họ nỗ lực cố gắng”, Sophia Xie cho hay.

Theo Sophia Xie, dù các vị trí việc làm mới có thể sẽ giảm dần trong những năm tới do tác động của nền kinh tế nhưng hôn nhân và sinh con sẽ không phải là mục tiêu mà thế hệ Z hướng tới, thay vào đó là những công việc tốt, cho mức thu nhập cao.

“Đây sẽ là những công cụ hữu ích mà thế hệ chúng tôi có thể hỗ trợ kinh tế tăng trưởng nhưng cũng khiến thế hệ chúng tôi khác biệt so với thế hệ Millennials (những người sinh khoảng từ năm 1980 đến năm 1996)”.

Thay vì ra trường và lựa chọn một công việc tại quê nhà, em gái sinh đôi của Sophia Xie, Susie Xie sau khi tốt nghiệp một trường đại học thuộc tỉnh Quảng Đông trong năm nay cũng sẽ du học Anh quốc chuyên ngành Tâm lý học và Nguồn nhân lực.

“Ngày nay, cuộc sống ở Trung Quốc về cơ bản đều đáp ứng nhu cầu khác nhau của người trẻ. Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn đa dạng về nghề nghiệp, tiêu dùng và giải trí, tương đương hoặc thậm chí tốt hơn nhiều so với các quốc gia phát triển”, Susie Xie tự hào.

Đối với những người trẻ như Sophia hay Susie, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống luôn là ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi không muốn làm thêm giờ vào dịp cuối tuần, luôn mở rộng mạng lưới giao tiếp, thích nuôi thú cưng và đặc biệt chúng tôi đều không cho rằng tình yêu hay hôn nhân phải là điều bắt buộc. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn khi chúng tôi vừa phải trả nợ nhà, vừa phải vật lộn với cuộc sống hôn nhân và kế hoạch sinh con”, cô nói.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã đạt mức thấp nhất trong 36 năm qua với 7,63 triệu người “thành gia lập thất” vào năm 2021, giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm 13,47 triệu người vào năm 2013. Tỷ lệ sinh trong năm 2021 đã giảm 11,6% xuống 10,62 triệu người, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 cũng đạt mức kỷ lục 18,2% vào tháng 4/2022, tăng 6,1% vào tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

So với các thế hệ trước, thế hệ Z Trung Quốc ít phải đối mặt với áp lực hơn như kết hôn hay kiếm tiền mua nhà vì phần lớn cha mẹ họ đã sở hữu ít nhất một bất động sản.

Theo một báo cáo của Citic Securities được công bố vào tháng 5/2021, số trẻ em trung bình trong mỗi hộ gia đình trong độ tuổi thế hệ Z là 0,94, giảm so với 2,88 vào năm 1971. Những đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm này sẽ có khả năng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cha mẹ và ít cạnh tranh hơn.

Mức lương trung bình hàng tháng của Trung Quốc tại 38 thành phố lớn là 10.014 NDT (tương đương 1.502 USD) trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Zhaopin, mức lương hàng tháng dự kiến cho các lao động có bằng cử nhân đã tăng 1,8% so với năm trước lên 12.033 NDT. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới ở các thành phố lớn trong năm nay.

Theo đuổi những công việc phi truyền thống

Thế hệ Z của Trung Quốc thường ít gặp phải áp lực hơn so với các thế hệ trước, điều này cho phép họ theo đuổi những đam mê cá nhân hay những công việc phi truyền thống. “Có thể tác động kinh tế từ dịch Covid-19 đến với chúng tôi sớm nhưng tôi thích sống với bố mẹ và chú mèo cưng của mình”, anh Wang Ang, 19 tuổi đến từ Quảng Châu đang làm một công việc bán thời gian cho biết.

Năm 2020, Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa “có việc làm” đối với các đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp lựa chọn bán hàng online, chơi game trực tuyến, viết blog…như một phần trong nỗ lực tăng tỷ lệ việc làm ở thanh niên trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngay cả sinh viên sau khi ra trường làm những công việc tự do, bao gồm tiếp thị trực tuyến, quản lý tài khoản công khai trên nền tảng nhắn tin WeChat, chơi thể thao điện tử… cũng được xem vào danh mục “việc làm linh hoạt” và được tính vào tổng lao động trên thị trường.

Cô Annie Wang hiện đang điều hành một công ty giải pháp nội dung có thương hiệu cho biết: “Người trẻ Trung Quốc hiện nay ngày càng tự tin hơn vào công việc và mức thu nhập của mình. Họ không còn chịu áp lực phải lo sinh kế cho gia đình và có thể tập trung theo đuổi niềm vui và lợi ích của bản thân”.

Thế hệ Z của Trung Quốc cũng đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Rất nhiều người đã trở thành những người có ảnh hưởng, bằng cách ghi lại cuộc sống của chính mình”.

(theo SCMP)