TIN LIÊN QUAN | |
Ghi chép của Phóng viên TG&VN: Lần đầu “xuất ngoại” đáng nhớ | |
Ai Cập phát lộ một xưởng gốm cùng thời kim tự tháp Giza |
Máy bay hạ cánh dần xuống sân bay thành phố Luxor – kinh đô của Ai Cập cổ đại vốn được biết đến với cái tên Thèbes đưa tôi rời xa không khí se lạnh của Cộng hòa Ethiopia vào những ngày cuối tháng Tám. Sông Nile xanh ngắt hiện ra trước mắt tôi. Gió rít từng hồi, mang theo những bụi cát đặc trưng luồn qua mái tóc. Theo lời khuyên của những đồng nghiệp đã từng đến đây, tôi tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi để kịp trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên sông Nile, ghé thăm ngôi đền linh thiêng Karnak và trải nghiệm Sound and Light Show (màn trình diễn âm thanh và ánh sáng với nhiều ngôn ngữ khác nhau).
Đi thuyền trên sông Nile
Trên nền sa mạc bất tận, con sông Nile dài 6.650km bắt nguồn từ hai nhánh chính là xích đạo Đông Phi và vùng Ethiopia như một chiếc xương sống chạy dọc Ai Cập và cuối cùng đổ ra vùng biển Địa Trung Hải. Là một trong hai dòng sông dài nhất thế giới với vai trò vô cùng quan trọng của lục địa đen, sông Nile góp phần không nhỏ hình thành nên nền văn minh cổ đại của nhân loại và trở thành nguồn sống của nhân Ai Cập. Xưa kia, dòng sông Nile êm đềm, nơi những vị vua Pharaon thường đi qua, nhờ sức gió và sức người đã vận chuyển những khối đá khổng lồ từ vùng thượng lưu trôi về hạ lưu để xây dựng nên những Kim tự tháp vĩ đại còn tồn tại đến ngày nay.
Hoàng hôn trên sông Nile. |
Sông Nile được biết đến như một biểu tượng vùng đất Ai Cập cổ đại. Khi ánh mặt trời dần hết sức nóng và đang khuất dần về phía tây sa mạc, bức tranh nhuốm màu vàng như mật dần hiện lên. Một không gian ngút ngàn trắng xóa, bên những ngôi nhà màu cát chen lên nhau đến tận chân trời làm nổi bật thêm cho con sông Nile êm đềm lặng lờ trôi dưới những cánh buồm felucca trắng phau (loại thuyền buồm của người Ai Cập dùng để lưu thông, chở khách du lịch). Mỗi chiều, dọc bờ sông Nile như biến thành lễ hội của những cánh buồm felucca căng gió.
Anh lái thuyền người bản địa, da đen bóng cười toe toét vồn vã đưa tay đỡ chúng tôi bước lên chiếc thuyền để chạy đua với mặt trời. Kéo căng buồm đón gió, chiếc felucca từ từ xuôi dòng nước sóng sánh ánh hoàng hôn.
Trên chiếc felucca, mọi thứ yên tĩnh đến bất ngờ. Chẳng ai màng nói một câu để khuấy động cái vẻ lắng đọng hiếm hoi ấy, bởi người ta còn đang mải mê tận hưởng cái mùi và cái màu của chiều hoàng hôn nơi được mệnh danh là nền văn minh nhân loại. Có chăng, đó chỉ là một bài ca Ả Rập mà anh lái thuyền cất lên để chiều lòng khách.
Lướt trên dòng sông, từng cơn gió reo lên không ngừng. Gió sông Nile lướt nhanh qua mặt nước, mang theo chút mùi ngai ngái. Mùi ấy khiến tôi nhớ về tuổi thơ nơi miền quê nghèo trung du nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khi trận mưa lớn ùa về sau những đợt nắng hạ dài hạn, mùi ngai ngái ấy lại sộc thẳng lên mũi tôi. Đôi khi, dòng sông Nile lại mang đến một cơn gió như những cơn gió lào vẫn thường thổi qua hiên nhà mỗi dạo trưa hè. Cơn gió ấy mang theo một hơi nóng, khô phả mạnh vào mặt những du khách trên thuyền.
Hoàng hôn dần buông màu tím hồng. Con thuyền cứ thế lướt trên dòng Nile với những sắc màu diệu kỳ biến đổi huyền ảo trên làn nước... tôi bỗng nhớ về “Nghìn lẻ một đêm” của tác giả Muhsin Mahdi có viết “Những ai chưa đến Ai Cập được xem như chưa biết thế giới. Bụi nơi đây được làm bằng vàng. Dòng sông Nile ở đây là một kỳ quan. Phụ nữ nơi này giống như những thiên thần. Và không thể khác hơn được vì Ai Cập là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại”.
Tác giả trong chuyến thăm Ai Cập. |
Đền Karnak và “Sound and Light Show”
Những ngày cuối tháng 8, cái nắng lên đến 42 độ và trời chỉ tắt năng sau 7 giờ tối, mặc cho sức nóng vẫn còn hầm hập phả lên không gian ấy, chúng tôi vẫn háo hức đến Luxor – thành phố được xem là nóng nhất Ai Cập để thăm đền Karnak và trải nghiệm “Sound and Light Show”.
Sau khi đắm chìm dưới ánh hoàng hôn trên sông Nile, anh chàng lái chiếc felucca ghé mũi thuyền vào bậc cầu thang dẫn lên đền, cẩn trọng bắc tấm ván ngang để chúng tôi bước lên. Anh hăng hái dẫn đoàn đến tận nơi mua vé vào đền, cũng đúng lúc Sound and Light Show chuẩn bị bắt đầu.
Nằm ở phía đông của sông Nile, ngôi đền tọa lạc ngay trong lòng thành phố Luxor được xây dựng từ 1580 – 1160 năm trước Công nguyên và do khoảng 30 vị Pharaon nối tiếp nhau dựng nên. Nhìn từ xa, những cột trụ bằng đá xếp thành hai hàng “vệ binh” thẳng tắp đã khiến bất cứ ai cũng muốn đặt chân đứng giữa ngôi đền. Nếu dưới ánh nắng như thiêu đốt, Karnak oai vệ và hiên ngang thì trong bóng tối, ngôi đền lại bí hiểm cuốn hút tôi đến lạ kì.
Đền Karnak là đền thờ thần mặt trời Amun-Ree (Ree tiếng Ảrập là mặt trời). Đây là quần thể đền lớn nhất Ai Cập còn tồn tại cho đến ngày nay và cũng là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập. Theo các nhà nghiên cứu, đây luôn là nơi thờ cúng chính các vua Pharaon trong vòng gần 2.000 năm và cũng là nơi linh thiêng nhất của người Ai Cập. Các vị vua đều muốn đặt dấu ấn của mình vào ngôi đền bằng những hoa văn, họa tiết khác nhau. Các vị vua hùng mạnh đã xây dựng nên những cổng chào hoành tráng với những cột đá khổng lồ trong khi các vị vua kém hùng mạnh hơn thì xây dựng những phần nhỏ hơn trong ngôi đền.
Đường dẫn đến đền ngập tràn cây cối với những cành phượng đang nở đỏ cành. Ngay phía trước cổng, hai hàng Sư tử đầu cừu đồ sộ dù đã bị thời gian và chiến tranh làm hư hỏng nặng nhưng vẫn vẹn nguyên vẻ huy hoàng của thời kỳ hoàng kim. Bên khoảng đất trống, những người đàn ông Hồi giáo đang cúi gập người làm lễ cầu kinh.
Đền Karnak và “Sound and Light Show” |
Trong bóng đêm, tôi và những du khách nước ngoài theo con đường lát đá hoa cương được chiếu sáng bởi ánh trăng, rồi dừng lại giữa những cột đá khổng lồ. Bất ngờ, trên hàng trụ đá được người Ai Cập coi là hoa vươn lên từ mặt đất với những hình hoa văn mềm mại, một ngọn đèn như một vầng trăng đỏ ối xuất hiện, những âm thanh bắt đầu vang lên. Tôi giật mình. Những tiếng nói bị xáo trộn của người Ai Cập cổ đại xưa, tiếng bước chân, tiếng va chạm của gạch đá, tiếng động vật vang lên bên tai. Âm thanh và ánh sáng đưa chúng tôi qua hết những “rặng hoa đá khổng lồ”, bút tháp bằng đá granit nguyên khối, những bức tường được trang trí các phù điêu miêu tả các Pharaon dùng cung tên tiêu diệt cái ác cùng màu sắc sống động.
Trải qua thời gian, sự phá hủy của thiên nhiên, con người trong chiến tranh đã làm Karnak không còn nguyên vẹn, nhưng nơi đây vẫn luôn hấp dẫn khách du lịch và là ngôi đền linh thiêng nhất của người dân Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua.
Đứng giữa một di sản ngàn năm không hề “câm lặng” như nhiều người vẫn nói, Karnak như hiện lên, quyện vào lòng làm tôi choáng ngợp. Ánh đèn dần tắt đi, âm thanh bắt đầu xa dần chỉ còn ngôi đền dưới ánh trăng, Sound and Light Show dần kết thúc. Có lẽ, bất cứ ai khi đến Karnak và trải nghiệm Sound and Light Show cũng nên đứng dưới những cột đá khổng lồ không đổi thay giữa những cơn gió từ sa mạc, hay đứng trước hàng tượng Sư tử đầu cừu để thấy mình nhỏ bé đến nhường nào.
Ai Cập phát lộ tàn tích vườn mộ gần 4.000 năm tuổi Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện tàn tích một khu vườn mộ của các pharaoh Ai Cập có niên đại gần ... |
Chia sẻ lợi ích trên sông Nile Thỏa thuận sơ bộ về chia sẻ nguồn nước sông Nile được Ngoại trưởng các nước Ethiopia, Ai Cập và Sudan ký hôm 6/3 cho ... |
Thành phố 2.000 năm tuổi dưới đáy sông Nile Tờ Cairo Post cho biết, trong khi đi khảo sát nhánh phía Tây sông Nile, gần thị trấn Rosetta, tỉnh Beheira, Đội khảo cổ của ... |