Trường Sa luôn trong trái tim mỗi người
Liên tục trong 8 năm qua. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình đi thực tế thăm biển đảo quê hương. Chuyến công tác lần này do Đại tá Đào Ngọc Quỳ - Chính ủy Cục Hậu cần Hải quân - làm Trưởng đoàn, và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - làm Phó Trưởng đoàn, đã giúp các thành viên trong đoàn thêm một trải nghiệm thực tế, hiểu biết, thêm yêu và gắn bó hơn với biển đảo quê hương.
Các thành viên Đoàn công tác số 5 chụp ảnh trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
Trong hải trình 8 ngày đêm trên biển, Đoàn đã tới thăm quân và dân tại 10 đảo gồm đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây và Trường Sa.Tại đây, Đoàn đã tận mặt chứng kiến sinh hoạt trên đảo, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi động viên và tặng quà cho quân và dân trên các đảo với tổng trị giá là 1,2 tỉ đồng.
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã bày tỏ tình cảm xúc động khi đến thăm Trường Sa, khen ngợi các nỗ lực của quân và dân huyện đảo luôn vượt lên mọi thử thách, hy sinh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và khẳng định Trường Sa luôn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Phát biểu tại đảo Trường Sa, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nói: “Chúng tôi đã trải qua rất nhiều nhiều cung bậc cảm xúc: có lúc rất vui mừng phấn khởi khi thấy cán bộ chiến sĩ rất khỏe mạnh yêu đời, quyết tâm cao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc; có lúc rất xúc động khi đứng chào cờ trước tấm bia ghi rõ chủ quyền của ta tại Trường Sa”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
“Cá nhân tôi đi nhiều nước, chứng kiến lễ chào cờ ta tại nhiều nơi, nhưng xúc động nhất là chào cờ tại quần đảo Trường Sa. Nhiều bà con đã rơi nước mắt khi chúng ta làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống tại quần đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biền đảo thiêng liêng. Càng đi, càng thấy yêu hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ luôn đứng đầu sóng ngọn gió, vượt qua khó khăn thử thách, chấp nhận và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đây là chuyến đi không thể quên đối với mỗi người. Chắc bà con cảm thấy xứng đáng khi đã vượt qua hàng chục nghìn cấy số bay về nước để dự chuyến đi này. Càng đi, càng thấy, càng yên tâm khi chứng kiến quyết tâm và đầu tư của Đảng, nhà nước, của nhân dân, các tầng lớp xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của kiểu bào ta ở nước ngoài để cải thiện, nâng cao cơ sở vật chất ở các điểm đảo của chúng ta, cũng như các lời động viên thăm hỏi, ủng hộ tinh thần, vật chất cho chiến sĩ ta ở Trường Sa. Xin tri ân quân và dân Trường Sa luôn vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường ghi sổ lưu niệm tại đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, bản thân ông từng là quân nhân nên thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn mà chiến sĩ ta phải đối mặt. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi ở hậu phương luôn hướng về các chiến sĩ. kiều bào cũng vậy, luôn hướng về Tổ quốc, Trường Sa. Có lẽ kiều bào quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ không kém người dân trong nước. Mong rằng qua chuyến đi này, kiều bào càng hiểu rõ quyết tâm của Đảng Nhà nước, quân đội bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Và cũng mong bà con tăng cường tuyên truyền để người thân, đồng bào và bạn bè quốc tế hiểu rõ quyết tâm, cũng như sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Đoàn Bộ Ngoại giao tặng quà các chiến sĩ đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
Đoàn công tác nhận quà lưu niệm từ các chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông. (Ảnh: Xuân Thông) |
55 kiều bào đã thực sự xúc động khi chứng kiến cảnh đẹp bao la, hùng vĩ của biển đảo quê hương và các nỗ lực vượt lên mọi gian khổ, không ngại hy sinh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của các bộ chiến sĩ huyện đảo Trường Sa. Nhiều người bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức một chuyến đi bổ ích, giúp hiểu thêm về thực tế và khẳng đinh Trường Sa luôn là địa chỉ đỏ trong tâm khảm của mọi người. Chuyến đi đã khơi dậy ở mỗi người tình cảm thiêng liêng đó chính là tình yêu Tổ quốc và sự trân trọng những gì mà cha ông để lại. Đoàn kiều bào tham gia hải trình lần này đã có những đóng góp thiết thực gửi tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa như sân vận động đa năng từ Câu lạc bộ Trường Sa tại CHLB Đức, 12 bộ máy tính của kiều bào tại Ba Lan, cùng rất nhiều những phần quà của kiều bào từ Thái Lan, CH Séc, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Canada, Australia…
Kiều bào tặng quà các chiến sĩ đảo Tiên Nữ. (Ảnh: Xuân Thông) |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Việt kiều Đức chia sẻ: “Đến với các anh, những người đang bảo vệ đảo, tôi cảm giác như được trở về ngôi nhà của mình. Tôi không biết nói gì ngoài sự cảm động của mỗi người con đất Việt khi trở về mảnh đất ở đây còn nhiều sương gió, gian khổ, còn người chiến sĩ ngày đêm canh cánh trong lòng sự nghiệp bảo vệ vững chắc vùng biển và vùng trời Tổ quốc. Tôi xin thay mặt cho bà con kiều bào, và đây cũng là ý chí nguyện vọng, quyết tâm của 94 triệu người dân Việt Nam, biết các anh rất gian khổ, chỉ biết động viên và xin hứa sẽ nguyện là hậu phương vũng chắc, lúc nào cũng sát cánh cùng các anh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Lễ tưởng niệm xúc động
Trong hải trình lần này, Đoàn công tác só 5 đã tổ chức dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, đoàn đã tổ chức hai lễ tưởng niệm xúc động. Đó là Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma và Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã vĩnh viễn ra đi tại khu vực thềm lục địa phía Nam.
Ngày 16/4/ 2019 tại khu vực đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, trong tiếng nhạc Hồn Tử sĩ trầm hùng, các thành viên trong đoàn đã làm lễ dâng hương và thả hoa tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ hải quân ưu tú đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước 31 năm trước.
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc biển đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam chúng ta đã phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu để xác lập, quản lí, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến anh dũng chống lại kẻ thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo tại khu vực này, nhiều chiến sĩ hải quân đã hy sinh. Trong cuộc chiến đấu đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ của các chiến sĩ hải quân tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 (lữ đoàn 125), cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 183 Hải quân. Đến nay nhiều người vẫn nằm lại dưới biển khơi. Các anh đã làm sáng ngời lên niềm tin khí phách quyết chiến, quyết thắng, làm đẹp thêm phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân. Sự hy sinh của các anh đã thành bài học vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh sống mãi trong niềm tự hào, tiếc thương của đồng bào, kiều bào, và trong nỗi nhớ khôn nguôi của người thân. Với lòng thành kính biết ơn, các thế hệ nối tiếp xin nguyện mãi tiếp bước cha, anh, quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng vững chắc chủ quyền biển đào của Tổ quốc.
Ngày 21/4/2019, tại khu vực vùng biển Ba Kè (Bà Rịa - Vũng Tàu) đoàn công tác số 5 làm Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống tại khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Các thành viên đoàn công tác bùi ngùi xúc động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những cán bộ hải quân ưu tú đã anh dũng hy sinh trên vùng biển nhà giàn DK1, một vùng biển có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Sau sự kiện 14/3/1988, nhận biết âm mưu, tham vọng của nước ngoài, để kịp thời giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngày 5/7/1989, Đảng, Nhà nước, quân đội quyết định thành lập cụm Dịch vụ- Kinh tế- Khoa học- Kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam (nhà giàn DK1).
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Xuân Thông) |
Trong suốt 30 năm qua, các cán bộ chiến sĩ hải quân nhà giàn DK1 đã gác lại mọi khó khăn ở hậu phương, gia đình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đương đầu mọi thử thách, trụ vững đầu sóng ngọn gió. Mặc dù được Đàng, Nhà nước, quân đội tạo mọi điều kiện thực hiện nhiệm vụ, nhưng thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt, sức tàn phá khủng khiếp của những cơn bão biển năm 1990, 1996, 1998. 2000 đã làm đổ và chìm một số nhà giàn. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân, phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ, bản lĩnh kiên cường bám trụ với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”. Đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cương bám trụ của các chiến sĩ hải quân… nhiều người đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tưởng cao đẹp, trở thành tượng đài tinh thần quý giá, thôi thúc động viên các thế hệ hôm nay và mai sau.Từ ngày các anh đi xa , cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 tiếp tục bám trụ chiến đấu, để từ vùng biển này hàng triệu triệu tấn dầu được khai thác phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Các thành viên trong đoàn đã thành kính thả những cánh hạc chở cành hoa cúc xuống biển, gửi theo tấm lòng của mình đến các chiến sĩ đã mãi nằm lại nơi đây. Sự hy sinh của các anh đang góp phần làm nên ngày hôm nay và tương lai đất nước, để Tổ quốc mãi trường tồn và phát triển...
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. (Ảnh: Xuân Thông) |
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. (Ảnh: Xuân Thông) |
Thăm Nhà giàn DK1/20
Ngày 21/4/2019, tại khu vực vùng biển Ba Kè ( Bà Rịa- Vũng Tàu), đoàn công tác đã thămTrạm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - kỹ thuật Ba Kè (nhà giàn DK1/20). Nhà giàn DK1/20 nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng hơn 50 hải lý và cách đất liền khoảng hơn 200 hải lý, là điểm cuối trong hành trình công tác. Đây là khu vực biển hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên vi phạm chủ quyền và đánh bắt trái phép hải sản tại khu vực này. Bởi vậy công tác bảo vệ ở đây rất căng thẳng, yêu cầu rất cao.
Nhà giàn ra đời ngày 3/7/1998, được nâng cấp và đưa vào sử dụng giữa năm 2016. Đứng sừng sừng giữa biển trời bao la, nhà giàn là sự khẳng định chủ quyền, là vọng gác không ngơi nghỉ tại vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và là chỗ dựa niềm tin của những người đi biển. Đối mặt với muôn vàn khó khăn như: Đóng quân độc lập xa đất liền; điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt: cực nóng vào mùa nóng và gió giật rất lớn vào mùa gió. Vào mùa biển động, gió giật lên cấp 8-9. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ ở đây luôn vượt lên mọi thách thức, không để bất ngờ trong mọi tình huống, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền với quyết tâm “Còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.
Nhà giàn DK1/20 tại vùng biển Ba Kè. (Ảnh: Xuân Thông) |
Đại úy Trương Xuân Thắng, Chính trị viên nhà giàn, chia sẻ: “Hôm nay không chỉ cá nhân tôi mà tất cả các chiến sĩ đều vinh dự được đón đoàn công tác, trong đó có nhiều kiều bào ra thăm. Được trực tiếp bảo vệ biển đảo, đó là trách nhiệm và vinh dự đối với tôi và anh em ở đây. Được công tác, thử thách tại đây đó là tâm nguyện của chúng tôi. Những năm qua , nhà giàn DK1 đã phát triển rất nhiều. Còn khó khăn, nhưng chúng tôi luôn xác định cống hiến, phục vụ hết mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Hôm nay lâu lắm mới có đoàn đến thăm, trong đó có nhiều kiều bào. Đối với chúng tôi đó như một món quà tinh thần to lớn, tiếp thêm niềm tin, động lực, làm đất liền biển đảo gần nhau hơn, làm anh em ấm lòng hơn.
“Đây là nguồn khích lệ động viên tinh thần để anh em tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thay mặt cán bộ chiến sĩ nhà giàn, xin cám ơn nhân dân cả nước và bà con kiều bảo thời gian qua đã có những hoạt động thiết thực, đồng hành, chung sức, chung lòng cùng chiến sĩ hải quân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xin đất liền và bà con hãy yên tâm vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức chung lòng của nhân dân cả nước, sự góp sức của kiều bảo nước ngoài và đoàn kết, quyết tâm cao của chiến sĩ thì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo nhất định sẽ thành công” - Đại úy Trương Xuân Thắng khẳng định.
Tác giả chụp ảnh cùng Chính trị viên nhà giàn Trương Xuân Thắng. |
Các thành viên trong đoàn thực sự cảm động khi chứng kiến cuộc sống và nỗ lực vượt khó của cán bộ chiến sĩ nhà giàn, từ sự đối mặt với thiên nhiên hung dữ, đặc biệt là siêu bão, sự thiếu thốn rau xanh, nước sạch và đời sống tinh thần… Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên, tặng các món quà có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ chiến sĩ nơi đây.
Trong khuôn viên sân khấu nhỏ hẹp, các thành viên trong đoàn, các kiều bào đã cùng các chiến sĩ “nối vòng tay lớn”, ca vang những bài ca về tình yêu đất nước và biển đảo. Tất cả làm nên một bức tranh đẹp về tình quân – dân nơi trùng khơi sóng nước. Lắng đọng mãi trong tôi là bầu không khí lưu luyến nơi đây và lời ca được mọi người hát vang trước giờ chia tay: “Nếu em đến thăm đảo tôi, em sẽ thấy niềm vui của người chiến sĩ ngoài đảo khơi và em sẽ yêu…. vô cùng, đảo của chúng tôi”.
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ trên đảo. (Ảnh: Xuân Thông) |
Quân và dân một ý chí
Hành trình đã kết thúc khép lại một chuyến đi không thể nào quên. Những ngày chung sống ngắn ngủi trên tàu, những sinh hoạt cộng đồng, các buổi giao lưu văn nghệ và thăm hỏi quân dân trên các đảo với những ca khúc ca ngợi tình yêu Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo mãi ghi dấu đậm nét trong kí ức mỗi người. Tất cả làm nên một khúc quân hành thi vị: quân và dân một ý chí. Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Mọi người Việt Nam dù ở nơi đâu trên thế giới đều chung ý nguyện quyết tâm bảo vệ. Trường Sa không xa, Trường Sa mãi trong trái tim mọi người dân Việt Nam.
Trường Sa luôn ở mãi trong trái tim mọi người dân Việt Nam. (Ảnh: Xuân Thông) |
Ông Đinh Trọng Đắc, Việt kiều tại Canada nói: “Sau chuyến đi, tôi có nhiều cảm nhận, tả không hết. Nói chung, tôi trở lại với cảm xúc cũ với tâm tư tình cảm của người chiến sĩ ngày xưa, vì tôi từng là lính hải quân. Gặp gỡ các chiến sĩ trên đảo, tận mắt thấy các khó khăn họ phải đối mặt hàng ngày, tôi thấy yên tâm vi mọi người đều quyết tâm vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tuy chưa mạnh, ta vẫn bảo vệ được chủ quyền, giữ vững 21 thực thể. Những cái tuyên truyền khác không nên nghe mà phải nhìn vào thực tế là biển, đảo ta vẫn còn, không bị mất. Tiềm lực đất nước ta còn khó khăn, những khắc phục đến mức độ này đã là rất tốt. Thông qua cộng đồng, tôi sẽ phản ánh những điều mắt thấy tai nghe, nói lên tình cảm như vậy và sẽ phát động các phong trào hướng về Trường Sa”.
Tháng 4/2019
Xuân Thông
Ngày 15/02/2019, trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu hải quân Hoa Kỳ vừa qua đã đi qua khu vực quần đảo Trường ... |
Tàu xuất bến mang quà Tết đến với chiến sĩ và nhân dân Trường Sa 16h chiều 4/1, những chuyến tàu đã chính thức rời quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đưa hàng trăm tấn hàng Tết ra các ... |
Đưa Mùa Xuân đến sớm với Trường Sa Bộ lịch Tết với các bức ảnh về Trường Sa và nhà giàn DK1 là sản phẩm của các tay máy không chuyên, nhưng đong ... |