📞

Giá cà phê hôm nay 10/11/2023: Giá cà phê tăng, khối lượng giao dịch arabica rất cao; cách Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD?

Gia An 13:45 | 10/11/2023
Giá cà phê 10/11 tăng phiên thứ hai. Hiện không chỉ nhu cầu thị trường, nhiều yếu tố hiện tác động đến ngành cà phê bao gồm phân bón tăng cao và các chi phí đầu vào khác dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn, thiếu lao động, hạn chế về quyền và khả năng tiếp cận vốn..., theo Deccan Herald.

Giá cà phê hôm nay 10/11/2023

Giá cà phê thế giới tiếp tục điều chỉnh tăng, trong đó giá cà phê arabica tăng tới hơn 2,5% lên mức 178,80 Cent/lb trong kỳ giao hàng tháng 12/2023. Thị trường cà phê trong nước tiếp tục tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Trên thị trường, lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã góp phần thúc đẩy thị trường tăng 2 ngày liên tiếp. Báo cáo tồn kho tiếp tục sụt giảm giúp 2 sàn hồi phục, trong khi lượng hàng gối vụ của nguồn cung Việt Nam dường như còn không đáng kể. Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 10 chỉ đạt 43.725 tấn (khoảng 728.750 bao, bao 60 kg), giảm 14,21% so với tháng trước và giảm tới 48,80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 123 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 7,3 triệu bao so với niên vụ trước. Trên thị trường thế giới, giá robusta đang có sự điều chỉnh giảm trong khi arabica lại tăng lên.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý 3/2023 sang tất cả các khu vực thị trường giảm so với quý trước, nhưng tốc độ xuất khẩu sang khu vực châu Á và châu Âu giảm thấp hơn. So với quý 3/2022, xuất khẩu nông sản này sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ châu Á và châu Phi.

Giá cà phê trong nước hôm nay 10/11 tăng 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tăng 24 USD, giao dịch tại 2.430 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 tăng 26 USD giao dịch tại 2.386 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 tăng 4,45 Cent, giao dịch tại 178,80 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 giá giao dịch tăng 2,1 Cent, giao dịch tại 174,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch rất cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 10/11 tăng 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

24.160

+ 40

ĐẮK LẮK

58.500

+ 500

LÂM ĐỒNG

57.800

+ 500

GIA LAI

58.400

+ 500

ĐẮK NÔNG

58.400

+ 500

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Báo cáo do The Brainy Insights công bố cho thấy, thị trường cà phê hòa tan toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 13,4 tỷ USD vào năm 2021 lên 23,1 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 6,2% trong giai đoạn 2022-2030.

Về nhu cầu tiêu thụ thực tế, số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê hoà tan toàn cầu đã thiệt lập kỷ lục mới là hơn 6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 18,6% so với năm 2021.

Với lịch trình bận rộn của dân số ngày nay, đồ ăn, đồ uống tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này sẽ giúp phát triển thị trường cà phê hòa tan. Đây được xem là cơ hội cho các nước xuất khẩu cà phê, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cà phê chế biến được xem là một trong những lời giải cho bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.

Mặc dù chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước nhưng kim ngạch cà phê chế biến đang chiếm tới hơn 19% doanh thu toàn ngành. Giá xuất khẩu trung bình cà phê chế biến trong 9 tháng đầu năm nay lên đến 5.413 USD/tấn, gấp 2,5 lần so với giá cà phê nhân.

Trong các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%. Đây được xem là lợi thế để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu hàng đầu khác như Brazil, Indonesia...

Định hướng chiến lược của ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030 là tiếp tục đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.