Giá cà phê trong nước hôm nay 10/12 giảm 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn) |
Giá cà phê hôm nay 10/12
Giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn London và New York đồng loạt đỏ sàn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu luôn bất ổn từ đầu năm với các nguy cơ suy thoái ngày càng rõ ràng. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ loại hàng hóa không thiết yếu và phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế như cà phê khả năng cao sẽ có sự suy yếu.
Dù vậy, theo giới thương nhân, thị trường đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà, trong khi lượng tiêu thụ tại các cửa hàng, quán giải khát có phần hạn chế hơn do thu nhập ngày càng thấp. Đây là yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê robusta London tiếp tục đứng vững, không bị kéo giảm quá sâu .
Báo cáo tồn kho arabica tại New York gia tăng trở lại, lên đứng ở mức cao 6 tháng, trong khi báo cáo tồn kho robusta London tiếp tục sụt giảm, xuống đứng ở mức thấp mới 4 năm.
Hiệp ước hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ việc phá rừng của EU có thể khiến cà phê Conilon robusta từ Brazil khó nhập vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới sẽ là cơ hội cho cà phê robusta nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 1/2023 giảm 27 USD (1,41%), giao dịch tại 1.891 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 10 USD (1,53%), giao dịch tại 1.866 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 0,3 Cent/lb (0,19%), giao dịch tại 158,4 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 0,25 Cent/lb (0,16%), giao dịch tại 159,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 10/12 giảm 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Thời gian qua, tình hình lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến mức tiêu thụ cà phê giảm. Để tiết kiểm chi phí, người tiêu thụ đã chuyển dịch từ thưởng thức cà phê hạt sang cà phê hòa tan cũng như cà phê có giá thành rẻ hơn như robusta. Với lợi thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường cà phê thế giới.
Theo phân tích của các chuyên gia, cà phê kỳ hạn có xu hướng hỗn hợp do chứng khoán Mỹ tiếp tục tiêu cực với việc nhà đầu tư cân nhắc lãi suất tiền tệ sắp tới và triển vọng suy thoái kinh tế. Cùng với đó, robusta vẫn có nhiều cơ hội trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam; và nguồn cung arabica trong niên vụ tới của nước cung ứng số 1 thế giới dự báo được cải thiện gây áp lực lên giá khiến đà tăng bị hạn chế.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.