📞

Giá cà phê hôm nay 11/4: Xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 34,5%; 'Lợi ích kép' nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch tại Đắk Lắk

Gia An 05:05 | 11/04/2021
Xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu trong tháng 2 giảm mạnh 17,4% so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 3,8 triệu bao. Nguyên nhân là do xuất khẩu cà phê của Việt Nam – nhà xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới giảm tới 34,5% so với tháng 2/2020, xuống còn 1,9 triệu bao.
Chốt phiên tuần này, hai sàn giao dịch phái sinh tại Anh và Mỹ đều đỏ lửa. Giá cà phê giảm nhẹ đồng loạt ở các thời hạn bàn giao. (Nguồn: Favpng)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 11/4

Chốt phiên tuần này, hai sàn giao dịch phái sinh tại Anh và Mỹ đều đỏ lửa. Giá giảm nhẹ đồng loạt ở các thời hạn bàn giao. Giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giao tháng 5/2021 giảm nhẹ, hiện giảm 2 USD/tấn (0,15%) so với chốt phiên trước đó, giảm xuống 1.343 USD/tấn; giá giao tháng 7/2021 cũng giảm 6 USD/tấn (0,44%), giao dịch ở 1.363 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Ngày hôm nay, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) lại đảo chiều giảm, giá giao tháng 5, giảm 0,6 Cent (0,47%) xuống 127,25 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm nhẹ 0,6 Cent (0,46%), xuống 129,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.

Trong báo cáo tháng 3/2021, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vẫn giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021, với ước tính đạt gần 172 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020. Trong đó, sản lượng cà phê arabica tăng 5,2% lên 101,88 triệu bao; Sản xuất cà phê robusta dự kiến giảm 2,6% xuống 70 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu trong tháng 2 giảm mạnh 17,4% so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 3,8 triệu bao. Nguyên nhân là do xuất khẩu cà phê của Việt Nam – nhà xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới giảm tới 34,5% so với tháng 2/2020, xuống còn 1,9 triệu bao so với 2,9 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg tại các địa phương ngày cuối tuần

Giá cà phê trong nước trong phiên đóng cửa tuần này (ngày 10/4), thu mua tại các địa phương trọng điểm.

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Lâm Hà ROBUSTA

31.600 (VNĐ/Kg)

— Bảo Lộc ROBUSTA

31.500

— Di Linh ROBUSTA

31.600

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

32.600

— Ea H'leo ROBUSTA

32.400

— Buôn Hồ ROBUSTA

32.400

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

32.300

— Ia Grai ROBUSTA

32.300

— Chư Prông ROBUSTA

32.200

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

32.200

— Gia Nghĩa ROBUSTA

32.300

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

32.200

HỒ CHÍ MINH

— R1

33.800

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, mất mùa, năng suất giảm, giá thấp, người trồng cà phê lại tiếp tục gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, việc nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch đang được đơn vị sản xuất xem là một trong những giải pháp mang lại "lợi ích kép" khi giá bán cao hơn so với thị trường và hướng đến sản xuất cà phê bền vững.

So với niên vụ trước thì niên vụ 2020 - 2021 thu hoạch muộn.

Hiện bà con ở các địa phương mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, và việc thu hoạch quả chín đạt từ 80% trở lên đã được người dân chú ý, nhất là những hộ có liên kết sản xuất. Tuy việc hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công, nhưng giá bán lại cao hơn so với cà phê hái đại trà.

Đặc biệt, những năm gần đây, khi các hộ liên kết với doanh nghiệp canh tác cà phê theo hướng hữu cơ nên ngoài việc chăm sóc vườn cây tốt thì khâu thu hoạch rất được chú trọng, bởi nếu hái chín 100% sẽ được thu mua với mức giá cao hơn khoảng 20% so với giá bình thường.

Nhờ vậy, các hộ có động lực để nâng cao chất lượng thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 208.000ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt khoảng 465.000 tấn.

Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các đơn vị và doanh nghiệp quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Những năm gần đây, có khá nhiều hộ dân liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững, cà phê đặc sản nên phương pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng đã được thay đổi rất nhiều.

Đặc biệt, là khâu thu hoạch, người dân đều hái quả chín từ 90 - 100% để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của người thu mua.

Đắk Lắk hiện đang có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C, UTZ Certified, RFA và FLO, với tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận hơn 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Niên vụ 2020 - 2021 dự kiến năng suất bình quân ước 25,4 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 470.000 tấn.