Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tăng mạnh ở tất cả các thời điểm bàn giao. |
Cập nhật giá cà phê hôm nay
Giá cả phê bất ngờ tăng mạnh trên cả hai sàn giao dịch quốc tế. Ghi nhận của TG&VN, lúc 0h30 ngày 14/1 (giờ Việt nam), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tăng mạnh ở tất cả các thời điểm bàn giao; giá giao tháng 3/2021 tăng 32 USD/tấn (2,46%) so với chốt phiên trước đó, đứng ở 1.334 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng tới 32 USD/tấn (2,44%) giao dịch ở 1.344 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng tăng mạnh; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 3,85 Cent (3,17%), lên 125,25 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng mạnh 3,8 Cent (3,08%), lên 127,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Một phiên bật tăng mạnh trong chuỗi ngày giảm giá tình từ đầu năm 2021 là một diễn biến mới trên thị trường cà phê thế giới. Liệu chuỗi ngày giảm giá đã chấm dứt?
Trên thực tế, đồng Reais của Brazil tăng mạnh 3,28%, lên ở mức 1 USD = 5,3220 Reais, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 8/6/2018, sau động thái bơm tiền của Ngân hàng Trung ương Brazil (BC), do lo ngại những bất ổn rủi ro trong nền chính trị Mỹ và sự gia tăng mạnh số người lây nhiễm chủng mới Covid-19 trên toàn cầu, trong khi báo cáo về tỷ lệ hiệu quả của một số vaccine chưa như kỳ vọng.
Đồng Reais tăng mạnh trở lại đã khiến người Brasil giảm bán ra, trong khi báo cáo mới nhất của Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2020/2021 giảm 0,34% xuống còn 175,5 triệu bao. Dự báo của FAS cũng cho thấy, tiêu thụ toàn cầu trong niên vụ này ước khoảng 165,4 triệu bao, thặng dư 10,1 triệu bao. Trong những phiên giảm giá vừa qua, khối lượng giao dịch không cao, thường chỉ trên mức trung bình, cho thấy giới đầu cơ hàng hóa đang tỏ ra khá thận trọng. Bởi vậy, một phiên tăng giá mạnh cũng có thể khiến thị trường kỳ vọng giá cà phê kỳ hạn sẽ hồi phục.
Tuy nhiên, trong một thông tin có liên quan, Công ty nghiên cứu và tư vấn Allegra World Coffee Portal cho biết, các cửa hàng cà phê mang thương hiệu của Mỹ sẽ chỉ có thể trở lại mức trước đại dịch ít nhất là vào năm 2022. Trước đó, vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã quét sạch gần 1/4 doanh thu của các cửa hàng này do nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Business Recorder đưa tin.
Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020 - 2021 dự kiến đạt 175,5 triệu bao 60 kg, cao hơn niên vụ trước 7 triệu bao. Trong đó Brazil dự báo sẽ chiếm phần lớn sản lượng do vụ cà phê arabica của nước này bước vào năm được mùa của chu kỳ sản xuất hai năm một lần và cà phê robusta đạt sản lượng kỷ lục.
Xuất khẩu thế giới ước tính sẽ cao hơn nhờ mức tăng mạnh ở Brazil, Honduras và Colombia. Các kho dự trữ cuối vụ trên toàn cầu dự kiến tăng lên mức cao nhất trong 6 năm nếu cung vượt cầu.
Trong khi đó, giá cà phê thu mua trong nước vẫn đang duy trì xu hướng giảm tại các địa phương trồng cà phê trọng điểm. Hiện tại, giá thu mua đã được điều chỉnh xuống ngưỡng thấp nhất là 30.900 đồng/kg và cao nhất là 32.700 đồng/kg.
Cụ thể là tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông với khoảng giá ghi nhận là từ 30.900 - 31.600 đồng/kg. Tại Kon Tum và TP. Hồ Chí Minh giảm 300 đồng/kg so với hôm qua, lần lượt thu mua tại mức 31.100 đồng/kg và 32.700 đồng/kg.
Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2020 - 2021 dự báo đạt 29 triệu bao, giảm 2,3 triệu bao so với kỷ lục của niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê dự báo gần như không đổi so với niên vụ trước, ở mức 23,8 triệu bao, trong khi tồn kho dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trên mức 4 triệu bao.
Giá hồ tiêu đối mặt với ba vấn đề lớn
Giá hồ tiêu thế giới ghi nhận vào phiên đóng cửa thị trường gần nhất, giao ngay tại sàn trực tuyến Kochi (Ấn Độ) duy trì ổn định ở mức 133,35 Rupee/tạ (0,38%), giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1 - 13/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.
Tại Ấn Độ, thị trường hồ tiêu đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn, bao gồm chi phí sản xuất cao hơn, giá bán thấp hơn và nhập khẩu với giá rẻ hơn, The Hindu Business Line đưa tin. Ông Kishore Shamji, Điều phối viên của Hiệp hội Những người trồng Tiêu và Gia vị Ấn Độ tại Kerala, cho biết, những điều trên đã buộc nông dân phải chuyển sang trồng các loại cây thảo quả để thay thế. Trước tình hình trên, các trường đại học nông nghiệp và viện nghiên cứu đang đề ra một vài sáng kiến để cải thiện tình hình sản xuất hồ tiêu nội địa trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu thu mua ổn định quanh ngưỡng trung bình là 51.500 đồng/kg. Hiện tại, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ngưỡng giao dịch cao nhất là 53.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg đang giao dịch tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai.
Theo các nhà phân tích, chi phí lao động cao cùng dư thừa cung đang khiến giá hồ tiêu khó tăng mạnh. Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu hiện nay là chi phí lao động cao. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không.
Theo Chủ tịch Hiệp hội tiêu Việt Nam, giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu. Doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Hơn thế các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá.