Giá cà phê hôm nay 17/11/2023
Giá cà phê thế giới tăng giảm trái chiều, tiếp tục tăng đối với cà phê robusta lên mức cao nhất hơn 2 tháng, giảm mạnh với cà phê arabica. Dự báo giá cà phê robusta sẽ tăng do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tăng dịp cuối năm.
Báo cáo từ cảng Santos (Brazil) cho thấy lượng hàng xuất khẩu trong tháng 9/2023 chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lo ngại sự chậm trễ này có thể kéo dài tới tới cuối năm nay, buộc các nhà rang xay phải tăng mua hàng có sẵn trên cả hai sàn. Về ngắn hạn, đồng Real giảm nhẹ so với USD góp phần hỗ trợ giá cà phê khi người Brazil giảm bán hàng xuất khẩu.
Thời tiết khô nóng ở Brazil tiếp tục hỗ trợ giá cà phê tăng ít nhất về dài hạn, khi Hội đồng Cà phê quốc gia Brazil (CNC) vừa cảnh báo, tác động của El Nino và các điều kiện thời tiết bất lợi khác đang khiến ngành cà phê nước này cực kỳ lo ngại đối với hoạt động sản xuất năm tới, do cây cà phê đang trong thời kỳ nhạy phát triển quả non.
Trong khi đó, tồn kho trên cả hai sàn tiếp tục đứng ở mức thấp.
Giá cà phê trong nước hôm nay 17/11 đi ngang tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tăng 17 USD, giao dịch tại 2.484 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 tăng 11 USD giao dịch tại 2.473 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm 4,70 Cent, giao dịch tại 176,10 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 giá giao dịch giảm 3,85 Cent, giao dịch tại 171,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 17/11 đi ngang tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Cuộc gặp của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung quốc bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương mang lại không khí tốt lành, tích cực, giúp hạ nhiệt căng thẳng leo thang giữa các nước, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ sau khi nhà đầu tư đón nhận dữ liệu lạm phát ở mức vừa phải. Nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu cơ về các sàn giao dịch hàng hóa phái sinh hỗ trợ thị trường giá tăng.
Trên thị trường cà phê, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 đã giảm xuống chỉ còn 43.725 tấn, mức thấp nhất trong 12 năm qua do tồn kho ở mức thấp sau niên vụ 2022-2023. Tại trong nước, vụ thu hoạch 2023-2024 đã bắt đầu và giá cà phê đang ở mức khá cao so với niên vụ trước.
Theo Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), lượng cà phê xuất khẩu giảm nhiều từ tháng 8 đến tháng 10/2023 chủ yếu là do sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Niên vụ trước tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 khoảng 160.000 tấn, trong khi tháng 9/2023 chỉ trên dưới 58.000 tấn.
Với kết quả này, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn với kim ngạch 3,3 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu cà phê trong tháng 10 đã nối dài đà tăng trong tháng thứ 8 liên tiếp lên mức kỷ lục mới là 3.603 USD/tấn, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng 40% (tương ứng 1.042 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình quân 10 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu của nước ta đã tăng 10,6% so với cùng kỳ lên 2.535 USD/tấn.
Về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết thị trường chính đều sụt giảm trong 10 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 37% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước với 480.263 tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ hai của nước ta cũng chậm lại và giảm 3,5% so với cùng kỳ, đạt 93.866 tấn.
Trong khi đó, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng gồm Indonesia (+152,3%), Algieria (+52,3%), Mexico (+39,7%)…