📞

Giá cà phê hôm nay 18/2: Đà tăng không bền, tương lai sản phẩm cà phê chế biến Made in Việt Nam?

Xuân Tiên 07:05 | 18/02/2021
TGVN. Đà tăng giá cà phê được cho là phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật nên không bền, thị trường chủ yếu vẫn đang chờ các thông tin cụ thể từ gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Đối với ngành cà phê chế biến tại Việt Nam tương lai được đánh giá đang rộng mở.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) tăng mạnh, ở tất cả các kỳ hạn bàn giao.

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Ghi nhận của TG&VN, tại giờ đóng cửa lúc 7h00 ngày 18/2 (giờ Việt Nam), giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) vẫn đang tăng mạnh, dù có giảm chút ít so với đầu phiên, sắc xanh phủ tất các các thời điểm bàn giao. Bảng niêm yết hiện tại cho thấy giá giao tháng 3/2021 tăng 11 USD/tấn (0,82%) so với chốt phiên trước đó, lên 1.349 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng thêm 9 USD/tấn (0,66%) giao dịch ở 1.372 USD/tấn. Khối lượng giao dịch không cao, chỉ tăng mạnh ở kỳ hạn tháng 5.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng bật tăng theo, ở tất cả các kỳ hạn bàn giao; giá cà phê giao ngay tháng 3 tăng 1,35 Cent (1,29%), lên 125,7 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng thêm 1,2 Cent (0,95%), lên 127,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê arabica bật tăng mạnh, nhưng tại thời điểm này chưa có nhiều thông tin hỗ trợ giá cà phê, vì thế mức giá trên thị trường chủ yếu đi theo các chỉ báo về mặt kỹ thuật. Nhưng đà tăng khi chỉ phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật thường không bền, thị trường vẫn đang chờ các thông tin cụ thể về gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến tích cực tại Mỹ, nhưng vẫn đang còn rất phức tạp ở châu Âu do sự xuất hiện các biến chủng mới, vì thế giá arabica chưa thể tăng quá mạnh tại thời điểm này. Nhiều khả năng giá cà phê arabica sẽ kiểm tra lại mức 127,3 Cent/lb, nhưng khó vượt qua mức này, nếu chưa có thông tin mới về các gói kích kinh tế.

Lực mua về mặt kỹ thuật khi giá đang ở mức hỗ trợ quan trọng 1.350 USD, USD tăng mạnh trong ngắn hạn và Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Âu là 3 yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp tới giá cà phê robusta, khiến giá robusta dao động trong khoảng 1.355 – 1.380 trong lúc chờ các thông tin mới.

Giá cà phê trong nước tăng 200 đồng/kg

Cập nhật giá cà phê trong nước thu mua ngày hôm nay (18/2), đồng loạt tăng 200 đồng/kg, dao dịch trong khoảng giá từ 31.300-31.800 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng được thu mua với mức 31.300 đồng/kg; tại Đắk Lắk giá cà phê thu mua 31.800 đồng/kg; tại Đắk Nông ở mức 31.700 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai ở mức 31.700 đồng/kg.

Ngày hôm qua (17/2), giá cà phê thu mua tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) được thu mua với mức 31.100 đồng/kg; Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar giá cà phê hôm nay ở mức 31.800 đồng/kg, huyện Ea H'leo, Buôn Hồ cà phê được thu mua cùng mức 31.700 đồng/kg; Tại Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 31.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 31.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp; Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 31.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 31.600 đồng/kg; tại Kon Tum được thu mua với mức 31.600 đồng/kg.

Theo tính toán, toàn ngành cà phê thế giới có trị giá lên tới hơn 200 tỷ USD, trong đó cà phê nhân chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 8-10%, phần còn lại chiếm tới hơn 90%.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, sản lượng xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn một năm, nhưng giá trị thu về chỉ khoảng 2-3 tỷ USD. Việt Nam có hạt cà phê robusta được đánh giá thuộc loại ngon nhất thế giới, với sản lượng lớn nhất thế giới. Những dữ liệu này cho thấy, cơ hội phát triển trong các công đoạn sau của chuỗi giá trị vẫn còn rất lớn. Nhu cầu và tiềm năng của thị trường rất phong phú, cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh nhiều dòng sản phẩm, chứ không phải chỉ xuất khẩu thô.

Trên thị trường cà phê thế giới, Công ty CCL Products Ltd. của Ấn Độ hiện là một trong những công ty có sự đa dạng về sản phẩm cà phê hàng đầu thế giới, đang xuất khẩu hơn 1.000 loại cà phê thành phẩm khác nhau. The Hans India đưa tin, mỗi năm, mục tiêu của CCL Products Ltd. luôn là tìm cách mở rộng phạm vi thị trường của mình. Trong năm nay, Công ty đang xem xét tăng cường xuất khẩu đến các quốc gia Mỹ Latinh, trong đó có Ecuador, Brazil và Chile.