Giá cà phê hôm nay 18/7/2023
Giá cà phê thế giới tăng giảm trái chiều trên hai sàn phái sinh London và New York khi dự báo nguồn cung arabica từ Brazil sẽ dồi dào do nhà sản xuất hàng đầu bước vào cao điểm thu hoạch vụ mùa mới năm nay với nhiều dự báo sản lượng tăng.
Trong khi đó, giá cà phê robusta vẫn duy trì xu hướng tích cực trước mối lo nguồn cung tạm thời căng thẳng do nhà sản xuất Indonesia mất mùa và Việt Nam bước vào giai đoạn cuối vụ, sàn London vẫn duy trì cấu trúc giá nghịch đảo kéo dài.
Tuy nhiên, hiện các các quỹ và đầu cơ vẫn còn tỏ ra thận trọng khi Brazil bắt đầu có dấu hiệu tăng lượng hàng Conilon robusta giao về sàn tham gia bán đấu giá.
Báo cáo của ICE – London cho thấy tồn kho, ngày 17/7 đầu tuần, đã tăng 220 tấn, lên đăng ký ở mức 54.540 tấn (khoảng 909.000 bao, bao 60kg), ghi nhận sự gia tăng tồn kho lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3/2023.
Giá cà phê trong nước hôm nay 18/7 tăng 100 đến 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (nguồn: pinterest) |
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 17/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng nhẹ. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 9/2023 tăng 12 USD, giao dịch tại 2.552 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11 tăng 1 USD, giao dịch tại 2.406 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 9/2023 quay đầu giảm 5 Cent, giao dịch tại 155,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm 4,65 Cent, giao dịch tại 155,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê tăng 100 - 200 đồng/kg. Hiện, mức giao dịch thấp nhất là 65.000 đồng/kg, được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 18/7 tăng 100 đến 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Nổi bật trong tuần qua là các báo cáo chỉ số nền kinh tế Mỹ có chuyển biến tích cực, hứa hẹn khả năng Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ nâng mức lãi suất cơ bản và Chỉ số USDX trở lại suy yếu sẽ hỗ trợ các tiền tệ mới nổi tăng thêm giá trị.
Theo Safras & Mercados, nông dân Brazil đã bán khoảng 32% tổng sản lượng dự kiến của niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình của các niên vụ trước.
Đối với nhà xuất khẩu Việt Nam, mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng xuất khẩu cà phê trong quý III/2023 nhiều khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung đã cạn.
9 tháng đầu niên vụ hiện tại Việt Nam đã xuất khẩu 1,44 triệu tấn cà phê, trong khi sản lượng cà phê trong niên vụ 2022 - 2023 theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) giảm 10 - 15% so với niên vụ trước xuống còn 1,5 - 1,6 triệu tấn. Giới chuyên gia dự báo lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do lượng tồn kho dần cạn, chủ yếu nằm trong tay các nhà xuất khẩu FDI.
Trong 3 năm trở lại đây, diện tích trồng cà phê của nông dân Việt Nam liên tục bị thu hẹp do bị thay thế bởi các loại cây ăn trái khác. Cộng thêm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khiến cây cà phê bị mất mùa, sản lượng càng giảm hơn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 tăng 1,6 triệu bao (5%) lên 31,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi. Diện tích sản xuất dự kiến không thay đổi với gần 95% tổng sản lượng vẫn là cà phê robusta.
Lượng mưa dự báo cao hơn 10-20% so với mức trung bình, hỗ trợ tưới tiêu cũng như sự phát triển của cây cà phê. Người dân cũng từng bước trồng lại cây cà phê để nâng cao sản lượng. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam dự kiến giảm 1,5 triệu bao xuống 24,5 triệu bao dựa trên lượng tồn kho đầu vụ ở mức thấp và các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn của Liên minh châu Âu.
USDA dự báo tồn kho cuối vụ 2023-2024 của Việt Nam sẽ tăng 1 triệu bao so với vụ trước lên mức 2,7 triệu bao.