📞

Giá cà phê hôm nay 22/9/2023: Giá cà phê trong nước giảm 3 phiên liên tiếp, sụt giảm nguồn cung xuất hiện tại nhiều khu vực

Gia An 13:45 | 22/09/2023
Một trong những khu vực xuất khẩu cà phê lớn của thế giới là châu Á và châu Đại Dương đã ghi nhận sự sụt giảm 6,2% xuống 3 triệu bao trong tháng 7, nhưng tính chung 10 tháng đầu niên vụ vẫn tăng 2,7% lên 38,57 triệu bao.

Giá cà phê hôm nay 22/9/2023

Giá cà phê thế giới tiếp tục giảm sâu, thị trường giao dịch ảm đạm với khối lượng thấp. Thị trường cà phê trong nước tiếp tục giảm so với cùng thời điểm hôm qua, ghi nhận 3 ngày giảm liên tiếp.

Về tình hình nguồn cung, nhà sản xuất cà phê số 1 thế giới - Brazil vừa công bố kết quả khảo sát lần 3 vụ mùa cà phê năm nay, với sản lượng ước đạt 54,36 triệu bao, tăng 6,8% so với vụ mùa năm trước. Trong đó, cà phê arabica ước đạt 38,16 triệu bao, tăng 6,8% và cà phê robusta ước đạt 16,2 triệu bao, giảm 11% so với năm trước. Thông tin này đã ngay lập tức tác động lên giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2023 ước giảm mạnh 35% so với nửa đầu tháng 8/2023, đạt 24.362 tấn, và so với cùng kỳ năm 2022 giảm 39%. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 9 ước đạt 76,76 triệu USD, giảm 30,8% so với nửa đầu tháng 8/2023, và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngày 20/9, sàn ICE - London báo cáo tồn kho được bổ sung thêm 1.650 tấn, tức tăng 4,12% so với ngày trước đó, lên ở mức 41.720 tấn (tương đương 695.533 bao, bao 60 kg). Sàn ICE - New York báo cáo tồn kho không thay đổi, vẫn ở mức thấp 448.113 bao.

Giá cà phê trong nước hôm nay 22/9 giảm tiếp 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế tiếp tục giảm. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 11/2023 giảm 44 USD, giao dịch tại 2.464 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 giảm 36 USD giao dịch tại 2.378 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm 3,35 Cent, giao dịch tại 154,82 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 giá giao dịch giảm 3,2 Cent, giao dịch tại 156,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 22/9 giảm tiếp 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

Tỷ giá USD/VND

24.090

- 20

ĐẮK LẮK

66.800

- 600

LÂM ĐỒNG

66.200

- 600

GIA LAI

66.600

- 600

ĐẮK NÔNG

67.000

- 600

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25% - 5,50%, đồng thời phát đi tín hiệu về quan điểm cho rằng, chính sách “diều hâu” có thể vừa kiềm chế lạm phát mà không làm tổn hại tới nền kinh tế. Cùng với khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay.

Sau phiên họp quan trọng này của Fed, đồng USD tăng nhẹ so với các loại tiền tệ khác và hiện vẫn neo gần mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi đồng nội tệ của Brazil so với USD giảm mạnh, đẩy giá cà phê arabica giảm sâu.

Về tình hình thị trường cà phê, sự sụt giảm nguồn cung trong tháng 7 chủ yếu đến từ bốn quốc gia xuất khẩu hàng đầu của khu vực châu Á - châu Đại Dương là Ấn Độ (-3,5%), Indonesia (-9,7%), Papua New Guinea (-25,9%), riêng Việt Nam (-5,1%).

Lượng dự trữ cà phê của Việt Nam hiện đang rất ít cùng với đó ước tính sản lượng cà phê năm nay có thể giảm đáng kể, chạm mức thấp nhất 4 năm trở lại đây. Điều này dẫn đến tình trạng mặc dù giá cà phê nhân đang ở mức cao nhất 30 năm nhưng giao dịch rất ít và hoạt động xuất khẩu cà phê ở mức hạn chế.

Ghi nhận trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,2 triệu bao, chủ yếu do xuất khẩu của Colombia và Peru giảm lần lượt là 17,1% và 37,5%. Đối với Colombia, đây đã là tháng tăng trưởng âm thứ 13 liên tiếp của nước này, đứng thứ hai kể từ sau chuỗi 22 tháng sụt giảm liên tiếp kéo dài từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2010.

Kết quả là xuất khẩu cà phê của Colombia trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã giảm xuống còn 8,8 triệu bao, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2012-2013. Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và sự chuyển dịch nhu cầu từ arabica Colombia sang các loại cà phê khác có giá rẻ hơn được cho là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê của Colombia sụt giảm trong thời gian qua.

Còn tại Peru, thời tiết không thuận lợi cũng góp phần khiến nguồn cung xuất khẩu giảm. Theo báo cáo của Viện Thống kê và Tin học Quốc gia Peru (INEI), lượng mưa tăng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm 1,9% vào tháng 6 vừa qua.