📞

Giá cà phê hôm nay 28/9: Giá robusta tiếp tục giảm, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam

Gia An 06:28 | 28/09/2022
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu, đạt 490.699 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 27,1% về lượng và 54,4% về trị giá.
Giá cà phê trong nước hôm nay 28/9 giảm tiếp 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn)

Giá cà phê hôm nay 28/9

Giá cà phê robusta vẫn đang giằng co tích lũy. Theo phân tích kỹ thuật, dự kiến trong ngắn hạn, giá cà phê robusta dao động trong biên độ 2.150-2.300. Tuy có lúc được kéo theo giá cà phê arabica, nhưng vẫn suy yếu dần và kết phiên nhuốm đỏ về gần mốc 2200

Tính tới 23/9, tồn kho đạt chuẩn cà phê sàn London tăng nhẹ, đạt mức 94.380 tấn. Thị trường cũng đang theo sát tình hình cơn bão Noru đang tiến về miền Trung Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng tới các vùng trồng cà phê Việt Nam.

Trong khi đó, các ngoại tệ khác USD liên tục thiết lập nhiều mức đáy mới. Đồng Real tiếp tục giảm tới 2,32% so với USD. Tỷ giá này theo lý thuyết sẽ kích hoạt lực bán mạnh, gây áp lực giảm giá lên cà phê arabica. Tuy nhiên phiên hôm qua giá cà phê sàn New York được hỗ trợ bởi thông tin cơ bản về tồn kho và một số Quỹ hàng hóa đẩy mạnh mua hàng sau khi arabica liên tiếp giảm nhiều phiên trước đó.

Giá cà phê arabica cũng bật tăng bởi các Quỹ hàng hóa cân đối giá trị vốn đầu cơ do lo ngại lãi suất vốn vay sẽ còn tăng thêm trong quý cuối năm. Các chỉ số kỹ thuật đang cho tín hiệu trung tính, dự kiến giá cà phê arabica vẫn giằng co trong biên độ 215-235, trong ngắn hạn.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York tính tới 26/9 tiếp tục được ghi nhận giảm ở mức 460.387 bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua. Cả người sản xuất và giới đầu tư vẫn đang tiếp tục theo dõi về lượng mưa tại các vùng trồng cà phê của Brazil trong tuần này với các dự báo có thể sẽ nhận được lượng mưa tốt và thuận lợi.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần trên sàn quốc tế (ngày 27/9), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 24 USD (1,09%), giao dịch tại 2.180 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 18 USD (0,82%), giao dịch tại 2.178 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Trong khi đó giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 0,5 Cent (0,22%), giao dịch tại 224,3 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 0,4 Cent/lb (0,18%), giao dịch tại 216,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 28/9 giảm tiếp 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.235

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

47.000

- 400

LÂM ĐỒNG

46.400

- 400

GIA LAI

46.900

- 400

ĐẮK NÔNG

46.900

- 400

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Sự tăng giá liên tục của USD vẫn đang là tâm điểm của thị trường bởi lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khi gần như hàng loạt các NHTW lớn trên thế giới đều tăng lãi suất trong tháng 9. Giá một số hàng hóa vẫn chịu áp lực giảm do USD tăng giá. Lo ngại rủi ro đã đẩy USDX tăng cao khiến sức mua hàng hóa của các thị trường mới nổi tiếp tục sụt giảm.

Tại EU, lượng cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường như Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha,… tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lượng cà phê xuất khẩu sang EU trong tháng 8 tăng 11,8% so với tháng trước lên 41.260 tấn.

Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Điều này là do cà phê là mặt hàng thiết yếu, một thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây.

Mặt khác, lợi thuế thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.

Bên cạnh EU, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Nga tăng 17,3%, Anh tăng 57,9%, Ấn Độ tăng 116% và Mexico tăng đột biến gấp 52 lần cùng kỳ.

Nhìn chung, xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn đều tăng do nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê ghi nhận sự sụt giảm ở một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Algeria, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia,…