Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 giảm tiếp 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Giá cà phê hôm nay 2/9
Hầu hết các thị trường hàng hóa ngập tràn sắc đỏ, các thị trường cà phê kỳ hạn cũng không ngoại lệ. Chỉ số USDX tiếp nối đà tăng do đồng USD tiếp tục được lựa chọn làm nơi trú ẩn đã đẩy các tiền tệ mới nổi giảm bớt giá trị khiến thị trường thiếu hụt sức mua nói chung. Tỷ giá Real giảm thêm tới 1,76% đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu với mức tỷ giá mà họ đang có lợi.
Trong khi đó, ở phía cầu, thời tiết nắng nóng tại Âu Mỹ khiến người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ cà phê. Thêm vào đó, các hãng kinh doanh cà phê thường nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 hàng năm, nên sức mua hàng thực đang giảm mạnh. Chính vì vậy, giá cà phê trên hai sàn sẽ được điều khiển bởi giới đầu tư tài chính, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tiền tệ và lạm phát, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chốt phiên giao dịch đầu tháng (ngày 1/9), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm tiếp 22 USD (0,98%), giao dịch tại 2.228 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 21 USD (0,94%), giao dịch tại 2.217 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York đồng loạt giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 3,1 Cent (1,32%), giao dịch tại 232,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 3,35 Cent/lb (1,47%), giao dịch tại 225,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 giảm tiếp 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Lạm phát khu vực Eurozone tăng nhanh lên mức cao nhất mọi thời đại, tăng 9,1% so với một năm trước, sẽ góp phần củng cố để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét một đợt tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp vào tuần tới. Goldman Sachs cảnh báo lạm phát của Vương quốc Anh sẽ không ngừng gia tăng lên hơn 20% nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn ở mức cao.
Trong khi thị trường tăng cược vào khả năng Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75% tại phiên họp chính sách trong tháng 9 này do thị trường lao động Mỹ chỉ tạo ra 132.000 việc làm trong tháng 8, chưa bằng một nửa so với mức 288.000 việc làm đã được thị trường dự kiến .
Viễn cảnh một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh tay của các NHTW là yếu tố quyết định của các giới đầu cơ vào lúc này.
Trong khi đó, giá cà phê tăng cao tại Việt Nam - nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Các nhà xuất khẩu cho biết họ đã phải chật vật để tìm mua cà phê trong vài tháng. Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu.
Tuy nhiên, ở hiện tại, sức mua hàng thực đang giảm mạnh, giá cà phê bị điều khiển bởi giới đầu tư tài chính, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tiền tệ và lạm phát. Dự báo, phải cho đến tháng 10, giá cà phê mới có phần nào theo yếu tố cung cầu, vì lúc đó, Brazil vào mùa mưa. Nếu như gặp hạn hán hay một yếu tố thời tiết bất ngờ nào đó, giá có thể sẽ mạnh hơn vì năm 2023 Brazil quay về chu kỳ năm mất mùa.
Thị trường cũng chuẩn bị chào đón niên vụ mới của Việt Nam. Nhờ thời tiết khá thuận lợi, nhiều người tin rằng năm nay, hàng cà phê Việt Nam sẽ ra sớm hơn các năm trước.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khá lạc quan về tình hình tiêu thụ thời gian tới khi thế giới đang phục hồi sau Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Dự báo, giá cà phê xuất khẩu có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng dự kiến có thể kéo dài đến năm 2023.