Giá cà phê trong nước hôm nay 8/7 giảm tiếp 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Giá cà phê hôm nay 8/7
Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn tiếp tục sụt giảm do lo ngại rủi ro tăng cao khi các NHTW đồng loạt nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ để ngăn chặn lạm phát vượt mức. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng Sáu cho thấy đã có sự lưỡng lự khi phải ra quyết định "diều hâu” nhằm ngăn chặn lạm phát vì có thể góp phần ngăn chặn sự hồi phục nền kinh tế quốc gia sau đại dịch covid-19, hoặc thậm chí dẫn đến suy thoái.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 7/7 tiếp tục giảm trên cả hai sàn, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 11 USD (0,56%), giao dịch tại 1.944 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 9 USD (0,46%) giao dịch tại 1.947 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 tiếp tục giảm nhẹ 0,3 Cent (0,14%), giao dịch tại 218,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 0,2 Cent/lb (0,09%), giao dịch tại 216,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 8/7 giảm tiếp 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Các sàn chứng khoán và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp nối đà tăng sau biên bản họp Fed được công bố. Tuy thị trường đã có phần nhẹ nhõm nhưng giá cà hàng hóa nói chung tiếp tục suy yếu khi đầu cơ tiếp tục dịch chuyển dòng vốn để tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời và tìm đến các thị trường có lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Giá cà phê tiếp tục dao động thiếu định hướng khi thị trường tìm cách tiêu hóa các báo cáo vừa được phát hành. Đáng chú ý nhất là báo cáo định kỳ hai năm về ngành cà phê thế giới của USDA và Báo cáo Thương mại tháng 5 của ICO.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), toàn cầu có khả năng dư thừa 8 triệu bao trong niên vụ cà phê mới 2022/2023 là do nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một” của cây cà phê arabica ở Brazil.
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) duy trì dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê hiện tại 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Đồng thời giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 3,3%, lên mức 170,3 triệu bao.
Trên thực tế, Funcafé – Brasil đã điều tiết nguồn vốn tín dụng để mua cà phê dự trữ và hỗ trợ cho nhà nông để giúp họ không bán ra thị trường ồ ạt làm giá giảm sâu khi vào thu hoạch vụ mới.
Theo ước tính, trong tháng 6/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5/2022 và tăng 18,9% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta sang Nhật Bản, Algeria, Trung Quốc, Malaysia và Pháp giảm.