Nhỏ Bình thường Lớn

Vẫn chuyện hai con dê qua cầu

Câu chuyện hai con dê cùng đi qua một cây cầu dường như ngày càng lột tả hết bản chất của câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá dai dẳng trong suốt thời gian qua. Khi mà các ngư ông đều nhất định không chịu “cõng nhau quay một vòng" thì đã có thể hình dung khá rõ một hồi kết không mấy thú vị cho cả người hâm mộ lẫn nền bóng đá nước nhà.
Ảnh minh họa

Trong khi Hội thảo góp ý cho "Dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá VN từ nay đến năm 2030" diễn ra tại Hà Nội và Tp.HCM để bàn về tương lai của bóng đá nước nhà thì chuyện bản quyền giữa ba ông lớn VFF, AVG và VPF vẫn chưa thể ngã ngũ với kết luận mới nhất của thanh tra Bộ VH-TT&DL nghiêng hoàn toàn về VFF và AVG. Nếu quả đúng như vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi ông bầu cầm chắc khoản đầu tư khổng lồ của mình sẽ không sinh lời, thậm chí lỗ nặng trong ít nhất 20 năm?

Các ngư ông ôm lợi

Theo kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL, VFF đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật và từ nay bản quyền truyền hình sẽ thuộc về Công ty An Viên (AVG). Nhiều người đã dự đoán được kịch bản này ngay từ khi cơ quan chức năng chưa vào cuộc, chỉ có điều chưa dám khẳng định nó có thể thành sự thật.

Hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009, sóng gió trì trệ, lạm phát và nợ công 2011 và tương lai u ám của năm 2012… dường như đang đưa "ngài Tiền" lên vị trí độc tôn. Điều đó đang rất đúng khi nhìn vào lịch sử cuộc chiến bản quyền, kể từ khi chỉ vì bức bối với chuyện chạy hợp đồng tài trợ mà VFF hạ bút ký bản hợp đồng “kỷ lục” với AVG, bán một thứ mình đồng sở hữu với VPF trong 20 năm với giá bèo, tức là bán luôn cả bản quyền của các đội tuyển quốc gia.

Cái lợi trước mắt mà VFF nhìn thấy là dù với khoản tiền 6 tỷ bèo bọt, chia ra cho mỗi đội bóng tham gia giải hằng năm thì dù các cầu thủ có uống nước lã và hít khí trời để đá bóng thì số tiền được chia cũng chẳng lo nổi việc đi lại. Ấy thế nhưng nếu có vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà nạn bán độ gia tăng, chất lượng giải trượt dốc... thì phía chịu thiệt thòi nhất chính là người hâm mộ và nền bóng đá nước nhà.

Nói tới AVG, đành rằng họ là doanh nghiệp, đã kinh doanh là phải đảm bảo đúng luật và khoản đầu tư phải sinh lời. Trong bối cảnh VFF đang như quả bóng hết hơi thì việc họ quyết định "hà hơi" 6 tỷ mỗi năm có thể coi là “thấy chết nên chìa tay cứu”. Nhưng nhiều người lại cho rằng, AVG đã kịp thời "bắt đáy" để sở hữu một bản hợp đồng đầy hứa hẹn.

Còn với VPF, chẳng lạ khi họ chưa thể hài lòng với kết luận của thanh tra và sẽ tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, thậm chí kiện ra tòa vì với họ, chất lượng đội bóng cầm chắc sẽ rơi vào cảnh ngộ lực bất tòng tâm nếu không được "bơm" đủ tiền.

Người hâm mộ ở đâu?

Một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm đặt ra là: Người hâm mộ được đặt ở đâu trong cuộc chiến này? Khi ký bản hợp đồng "quỷ ám" với AVG, liệu lãnh đạo VFF có nghĩ đến quyền lợi của người hâm mộ khi mà họ có thể được/phải thưởng thức một món ăn tồi? Chưa kể đến nguy cơ phải trả chi phí cắt cổ để được xem bóng đá khi mà độc quyền truyền hình đã rơi vào tay nhà doanh nghiệp. Không thể trách được AVG vì mục tiêu của doanh nghiệp là sinh lời và họ sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu đó.

Trong buổi họp báo với chủ đề: "AVG - Truyền hình An Viên và Tinh thần thể thao Việt Nam", diễn ra vừa qua, phía AVG cho biết: "Nếu như một đơn vị nào đó vẫn tiếp tục vi phạm, AVG sẽ dùng đến những biện pháp mạnh để bảo vệ mình và hơn nữa là bảo vệ người xem truyền hình". May mắn là người xem truyền hình cuối cùng đã được nhắc đến, nhưng cũng không vội mừng khi đó mới chỉ là lời nói và chưa đủ cơ sở để chứng minh quyền lợi của AVG chính là quyền lợi của người hâm mộ.

Mâu thuẫn cuối cùng vẫn chính là VFF. Ngay từ đầu họ đã thiếu trách nhiệm khi ký một bản hợp đồng gây quá nhiều tranh cãi và tiềm ẩn nhiều bất lợi. Rồi tiếp đó là việc VFF cố tình đá quả bóng sang chân VPF một lần nữa thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý và sự kém cỏi trong việc xử lý những bất cập do chính mình gây ra.

Còn AVG, vì một lý do nào đó, mục tiêu kinh doanh hay sự ăn thua trong tranh luận, mà cho đến lúc này, dù tuyên bố rằng "những gì AVG làm đều dựa trên 'tinh thần vì thể thao Việt Nam', vì quyền lợi người hâm mộ", nhưng nên hay không nên điều chỉnh hợp đồng để đưa nó về với giá trị thực - là chuyện dường như AVG chưa từng nghĩ đến.

Liên Châu