Ảnh minh họa. |
Cụ thể, tờ trình nêu rõ, do điện là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đển sản xuất và đời sống nên việc thực hiện cơ chế thị trường đối với một số khâu phải có lộ trình và điều tiết của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện bởi đây là khâu mang tính độc quyền Nhà nước.
Về khâu giá phát điện, Chính phủ đang xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh để đưa vào vận hành chính thức năm 2012, ngoài ra việc bán buôn cũng được thị trường hóa để có nhiều người bán và người mua.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng, giá phát điện và giá bán buôn không cần phải quy định các mức cụ thể mà Nhà nước chỉ cần quy định khung giá để các doanh nghiệp thỏa thuận và cạnh tranh nhau trong khung đó.
“Như vậy, việc quy định khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện sẽ giúp tránh được hiện tượng các doanh nghiệp có thể liên kết thỏa thuận mức giá quá cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống,” Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Về giá điện bán lẻ bình quân, Chính phủ cho rằng, do các yếu tố đầu vào hình thành giá thường xuyên biến động theo thị trường nên việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức giá bán lẻ điện cụ thể như quy định tại Luật điện lực hiện hành không đảm bảo tính linh hoạt, không phản ánh kịp thời theo các yếu tố thị trường.
Vì thế, tờ trình đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Việc quy định các mức giá bán lẻ cụ thể cho từng đối tượng khách hàng sử dụng điện giao cho Bộ quản lý ngành (Bộ Công thương) thực hiện.
Theo Tờ trình, việc Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là để đảm bảo mức giá cụ thể của từng thành phần khách hàng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng sử dụng điện.
Theo Vietnam+