Theo giới kinh doanh gas, đây chỉ là một trong những phản ứng đầu tiên của thị trường. Nếu PV Gas có thêm những động thái mới, công bố kế hoạch dài hơi hơn, thị trường gas sẽ tiếp tục có những biến đổi lớn có lợi cho người tiêu dùng.
Đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Sơn - tổng giám đốc PV Gas - chia sẻ: " Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn thị trường trong nước, chúng tôi quyết định giảm đến 5% so với giá thị trường. Đây là mức giảm tối đa được Chính phủ cho phép" .
Vẫn theo ông Sơn, đưa ra được mức cắt giảm như trên là nhờ PV Gas thuê một kho nổi của Na Uy để chứa gas nhập khẩu với sức chứa 45.000 tấn, cộng với nguồn gas từ Nhà máy Dinh Cố nên nguồn hàng hiện nay khá dồi dào. Thực tế, trước đây PV Gas chỉ dựa vào nguồn hàng trong nước, chủ yếu từ Nhà máy Dinh Cố nên chỉ cung cấp được khoảng 30% nhu cầu thị trường. "Bây giờ, nếu các công ty đăng ký trước kế hoạch, chúng tôi đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu. Mọi hoạt động của chúng tôi đều minh bạch, không phân biệt đối xử" - ông Sơn khẳng định.
Việc PV Gas bán giá rẻ hơn giá nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas hồ hởi đón nhận, bởi đây là đơn vị phân phối duy nhất nguồn gas từ Nhà máy Dinh Cố và chiếm số lượng lớn từ nguồn gas nhập khẩu. Ông Trần Trung Chính, chủ tịch Câu lạc bộ các công ty kinh doanh gas (G10), cho biết Công ty VT Gas của ông đã chuyển sang mua 100% lượng gas từ PV Gas thay vì nhập khẩu trực tiếp vì được lợi về giá và vận chuyển. "Giá cũng chỉ là một câu chuyện, cái mà chúng tôi hi vọng nhiều hơn là sự ổn định nguồn hàng. Nếu PV Gas tiếp tục sử dụng lợi thế nguồn gas trong nước hòa với gas nhập khẩu, tôi tin ít nhất sáu tháng cuối năm thị trường trong nước có thể giữ ổn định được".
Việc các công ty kinh doanh gas trong nước kỳ vọng nhiều ở PV Gas vì sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gas nhập khẩu đã khiến họ từng nếm "trái đắng". Cách đây đúng một năm VT Gas và nhiều công ty VN đã khốn đốn vì nguồn hàng từ Thái Lan bị cắt do chính sách xuất khẩu của Thái Lan thay đổi. Thời điểm đó, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng ở mức kỷ lục là 25.000 đồng/bình do nguồn hàng nhập khẩu khan hiếm.
Ông Trần Minh Loan, chủ tịch HĐQT Công ty An Pha SG, hồ hởi: "Trước đây khi giá gas thế giới biến động, nguồn hàng khó khăn, các công ty trong nước không có đủ phương tiện, kho bãi để dự trữ nên muốn giảm bớt tác động của thị trường thế giới cũng không được. Nay PV Gas có thể làm được nhờ lợi thế là một công ty lớn của Nhà nước".
Cần minh bạch và công khai
Tuy nhiên, việc "vào cuộc chậm" của PV Gas đã không nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty gas, thậm chí một số DN còn nghi ngờ về tính hiệu quả của việc giảm giá này.
Ông Trần Minh Loan giải thích thêm: "Từ cuối năm ngoái chúng tôi đã phải kết thúc đàm phán với các nhà xuất khẩu nước ngoài cho kế hoạch năm nay, trong khi đó PV Gas mới công bố việc thuê kho nổi để chứa gas nhập khẩu từ đầu năm nay. Điều đó khiến nhiều DN bị động".
Một chuyên gia trong lĩnh vực gas chia sẻ: "Với lợi thế nắm trong tay nguồn gas chiếm đến 30% nhu cầu nội địa, cộng với những phương tiện vừa đầu tư, tôi tin PV Gas có thể giúp bình ổn được thị trường trong nước khi thị trường bên ngoài biến động". Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, vấn đề là phương thức thực hiện sao cho minh bạch, công khai chứ không như cách làm trước đây là chỉ ưu ái cho những công ty trong ngành.
Giám đốc một DN cho rằng PV Gas cũng chỉ mới công bố kế hoạch cho tháng bảy là chưa đủ, cần phải công bố kế hoạch dài hơi hơn. Đồng ý với quan điểm này, ông Loan cho rằng ngay từ quí 3 PV Gas phải công bố sớm và công khai kế hoạch, điều kiện bán hàng cho năm 2009 để DN trong nước chủ động hơn.
Theo Tuổi Trẻ