Bất chấp lạm phát, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ vẫn tăng. (Nguồn: Getty Images) |
Lạm phát hạ nhiệt
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 4/2022 nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Ngày 27/5, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy, giá tiêu dùng đã tăng 0,2% trong tháng 4 và tăng 6,3% so với một năm trước đó. Con số này giảm so với mức tăng 6,6% vào tháng 3/2022 và đây là tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ năm 1982.
Tháng 5, Fed đã tăng lãi suất lên 0,5%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2000 để chống lại lạm phát. Bên cạnh việc tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ cho biết sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán với quy mô 9.000 tỷ USD.
Trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh, lạm phát giảm là “một dấu hiệu của sự tiến bộ, ngay cả khi chúng ta còn nhiều việc phải làm”.
Lạm phát chậm lại trong tháng 4 chủ yếu là do giá xăng và các năng lượng khác giảm. Giá khí đốt tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 3 do xung đột Nga-Ukraine, sau đó được điều chỉnh phần nào vào tháng 4. Tuy nhiên, giá khí đốt lại tăng trở lại trong những tuần gần đây, điều này có thể đẩy lạm phát tăng trở lại vào tháng 5.
Nhiều nhà dự báo tin rằng, tỷ lệ lạm phát đã đạt đỉnh trong tháng 3 và sẽ hạ nhiệt dần dần trong những tháng còn lại. Nhưng giá khí đốt tăng trở lại đang khiến dự báo đó bị lung lay.
Theo các chuyên gia, dù lạm phát tiếp tục giảm, giá cả hàng hóa vẫn tăng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) là 2% trong thời gian qua.
Mạnh tay chi tiêu
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng cá nhân - yếu tố mang tính "trung tâm" của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 0,9% trong tháng 4/2022 và tăng 3,1% trong quý I/2022.
Sau hai năm áp dụng các biện pháp hạn chế vì Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn tăng lên, bất chấp tình trạng khan hiếm hàng hóa. Giá hàng hóa tăng nhanh hơn giá dịch vụ, một phần là do những khó khăn trong chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine.
Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ), lạm phát đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, giảm 10,4% trong tháng 5/2022 xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sự bi quan đó không ảnh hưởng đến vấn đề "mở hầu bao" của người Mỹ.
Trong những tháng gần đây, người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chi tiền nhiều hơn để mua vé máy bay, đi du lịch, các buổi hòa nhạc, cắt tóc, các sự kiện thể thao và những trải nghiệm khác mà họ đã phải bỏ lỡ vì đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế tại Liên minh Tín dụng liên bang hải quân (NFCU) Robert Frick, người tiêu dùng Mỹ vẫn không nản lòng trước lạm phát, họ mạnh tay chi tiêu và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ tại quán bar và nhà hàng, du lịch và giải trí khi thời tiết ấm lên.
Lấy tiền từ đâu?
Thu nhập của người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang tăng lên. Đây là kết quả của thị trường lao động khởi sắc và mức tăng lương nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm hơn 400.000 việc làm trong 12 tháng liên tục. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang ở mức thấp trong gần nửa thế kỷ.
Bên cạnh đó, nhiều công nhân Mỹ đã được tăng lương, nhưng tiền lương không theo kịp với lạm phát. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thu nhập sau thuế tăng 0,3% trong tháng 4 so với tháng trước và mức thu nhập này không thay đổi sau khi tính đến lạm phát.
Kết quả là, người Mỹ đang thúc đẩy chi tiêu của họ bằng cách tiết kiệm ít hơn. Các hộ gia đình chỉ dành 4,4% thu nhập sau thuế để tiết kiệm, mức tiết kiệm thấp nhất kể từ năm 2008.
Chuyên gia Robert Frick tiết lộ, chi tiêu của người Mỹ tăng lên là một phần được kích thích bởi mức lương cao hơn và nhiều người rút bớt tiền tiết kiệm về tiêu dùng. Cần lưu ý rằng, tiết kiệm cá nhân tại Mỹ là một kho dự trữ khổng lồ với giá trị ít nhất 2.000 tỷ USD.
Mức viện trợ kỷ lục của chính phủ trong thời kỳ đại dịch, kết hợp với việc giảm chi tiêu cho nhiều hoạt động giải trí đã giúp người dân Mỹ tích lũy thêm một khoản tiết kiệm đáng kể. Số tiền đó có thể cho phép người tiêu dùng tiếp tục mua sắm, ngay cả khi giá cả tăng lên.
Cuộc khảo sát nhanh về “sức khỏe” tài chính của người Mỹ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện vào mùa Thu năm ngoái và công bố trong tuần này cho thấy, 78% người được hỏi cảm thấy rằng họ vẫn ổn.
Nhưng về lâu dài, dựa vào tiền tiết kiệm để chi tiêu là không bền vững. Các nhà kinh tế cho biết, nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp có thể đã cạn kiệt tiền tiết kiệm hoặc sẽ hết tiền trong những tháng tới, đặc biệt là khi giá xăng và thực phẩm tiếp tục tăng cao.
Theo dữ liệu của Fed, số dư thẻ tín dụng và các loại nợ tương tự đã tăng với tốc độ 35,3% vào tháng 3, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1998.
Tim Quinlan, nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo nhận định: “Phụ thuộc vào thẻ tín dụng để chi tiêu sẽ không bền vững. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng mạnh hơn so với dự báo của hầu hết các chuyên gia, nhưng có khả năng sẽ chậm lại trong những tháng tới”.
Các nhà kinh tế cũng dự đoán, chi tiêu tiêu dùng sẽ chậm lại khi Fed tăng lãi suất và các gói kích thích kinh tế phục hồi sau đại dịch giảm dần.
Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Oxford Economics nhận định: “Ít nhất trong quý II, người tiêu dùng đã thực sự 'mở hầu bao'. Chúng tôi nghĩ rằng, về lâu dài, chi tiêu tiêu dùng của người dân sẽ có giới hạn. Hiện tại, mọi người đều cảm thấy bị dồn nén và cần đi du lịch. Nhưng đến năm sau, đó là một câu chuyện khác".