Người dân Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe và sống lâu hơn, dẫn đến chi phí y tế ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP) |
Chỉ trong vòng hai tuần, để chi trả cho căn bệnh thoái hoá đốt sống cổ mãn tính, bà Li Ying (67 tuổi) đã tiêu hết sạch khoản lương hưu ít ỏi hàng tháng 2.000 NDT (khoảng 275 USD).
Mặc dù đang sống tại tỉnh Chiết Giang, một trong những khu vực có mức sống cao và chế độ phúc lợi xã hội khá tốt nhưng bà Li Ying vẫn lựa chọn sống một cuộc sống thanh đạm và tiết kiệm. Đây là xu hướng khá phổ biến đang được nhiều người về hưu Trung Quốc ủng hộ và làm theo trước triển vọng kinh tế đầy bất định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này đi ngược lại với nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Gia tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ
Dù được hỗ trợ bởi chương trình chăm sóc sức khỏe của Nhà nước, theo đó có thể được hoàn trả tới 70% chi phí chăm sóc nội trú và nhiều nhất là 800 NDT/năm cho chăm sóc ngoại trú, bà Li Ying vẫn phải sử dụng phần lớn tiền tiết kiệm cá nhân để trang trải khoản chi phí điều trị còn lại.
“Bước sang tuổi ngoài 60, mỗi khi mắc bệnh, dù nhỏ đến đâu đều trở nên nghiêm trọng và tốn một khoản chi phí khá lớn, nhiều hơn tất cả các hóa đơn y tế gộp lại những năm trước đó. Gánh nặng này chắc chắn sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi tôi già đi”, bà Li Ying than thở.
Bà Li Ying thuộc số 209,78 triệu người ở độ tuổi trên 65 của Trung Quốc đang phải đối mặt với chi phí chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng ở quốc gia này.
Khi dân số ngày càng già hoá và nhận thức của người dân về sức khỏe được nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ vì thế cũng ngày càng gia tăng, chi tiêu cho lĩnh vực này lớn hơn, gây áp lực đáng kể cho hệ thống an ninh y tế của Trung Quốc.
Một mặt, Bắc Kinh coi đây là cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng, theo kế hoạch 20 điểm được công bố gần đây nhằm kích thích chi tiêu hộ gia đình và các nỗ lực bao gồm thúc đẩy điều trị y học cổ truyền Trung Quốc, bệnh viện trực tuyến và dịch vụ phục hồi chức năng.
Mặt khác, chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong bối cảnh dân số già nhanh chóng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính bền vững của quỹ bảo hiểm y tế Trung Quốc, khiến các nhà chức trách phải có những hành động cứng rắn để điều tiết.
Năm ngoái, chi phí cho chăm sóc sức khoẻ hiện chiếm trung bình 8,6% chi tiêu của một người dân Trung Quốc, tăng từ 6,5% vào năm 2016, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia (NBS). Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 10,8% lên 14,9%.
Lu Yiming, đồng sáng lập Shanghai Medmotion Medical Management, công ty đang sở hữu hai trung tâm phục hồi chức năng trong thành phố, cho biết doanh thu hàng tháng đã tăng ít nhất 5 lần kể từ khi được thành lập vào năm 2018 do có ngày càng nhiều người dân sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là sau phẫu thuật.
“Năm 2018, doanh thu của chúng tôi là từ 100.000 đến 200.000 NDT/tháng, giờ đã lên tới 1 triệu NDT/tháng. Trước đây, hầu hết bệnh nhân của chúng tôi là do các bác sĩ phẫu thuật giới thiệu và một số ít cá nhân giàu có. Tuy vậy, giờ đây hơn một nửa số khách hàng quen là do những người xung quanh giới thiệu”, ông Lu Yiming nói.
Giáo sư He Wenjiong, Phó giám đốc Hiệp hội an sinh xã hội Trung Quốc, cho biết: “Với mức sống được cải thiện, người dân đang quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhu cầu của cộng đồng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng lên khi xã hội ngày càng già hoá”.
Sau khi phục hồi nhanh chóng ở quý đầu tiên của năm 2023, đà tăng trưởng này của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm dần, một phần là do niềm tin của người tiêu dùng dần yếu đi.
“Cần lưu ý có sự khác biệt giữa tiêu dùng cho sức khỏe và cho điều trị y tế. Chúng tôi hy vọng, người dân ít gặp vấn đề về sức khoẻ nhất có thể, nhưng nếu không may mắc bệnh sẽ có thuốc, dịch vụ phù hợp và một cơ chế hiệu quả để đảm bảo người dân có đủ khả năng chi trả”, Giáo sư He nói.
Ảnh hưởng tới Quỹ Bảo hiểm y tế quốc gia
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây, già hoá dân số cùng với lực lượng lao động bị thu hẹp, thu nhập cá nhân tăng trưởng chậm là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế quốc gia.
Dù vậy, những nỗ lực cải cách gần đây của Chính phủ Trung Quốc như mở rộng chương trình mua sắm thuốc tập trung, giúp giảm giá thành nhiều loại thuốc hay “mạnh tay” với nạn tham nhũng trong ngành y tế… đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện hiệu quả và tăng tính bền vững của Quỹ.
Trước những lo ngại vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế quốc gia, Bắc Kinh dự kiến cho phép thêm vốn tư nhân tham gia vào thị trường chăm sóc sức khoẻ để giảm bớt áp lực cho Quỹ.
Theo một báo cáo hàng năm của NBS về chăm sóc sức khỏe, tính đến tháng 12/2022, Trung Quốc có khoảng 25.000 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, hơn gấp đôi so với khoảng 12.000 cơ sở công lập. Dù vậy, các bệnh viện tư nhân chưa phải là lựa chọn hàng đầu của người dân do chi phí khám chữa bệnh thường khá cao và việc thiếu niềm tin vào tay nghề của các bác sĩ.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ NHC, 160 triệu lượt bệnh nhân đã được ghi nhận tại các bệnh viện tư nhân trong quý I/2023, so với 800 triệu lượt khám tại các bệnh viện công.
Li, một nông dân ở tỉnh Chiết Giang, cho biết bà không đủ tiền để đến thăm khám tại các bệnh viện tư và “nếu không có bảo hiểm y tế, tôi thậm chí còn không đủ khả năng chi trả tại các bệnh viện công”.