📞

Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về Syria: Dáng dấp Yalta

Minh Vương 15:41 | 23/10/2019
TGVN. Thỏa hiệp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về Syria được ông Vladimir Putin và ông Tayyip Erdogan chắp bút thực chất đã phân chia các khu vực ảnh hưởng tại Syria và sẽ có tác động mang tính bước ngoặt tại Trung Đông. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sau cuộc thảo luận tại Sochi ngày 22/10. (Nguồn: AP)

Sau 6 giờ đàm phán tại khu nghỉ dưỡng Biển Đen ở thành phố Sochi ngày 22/10 về Syria và chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã đạt đươc thỏa thuận về chấm dứt xung đột hiện nay tại quốc gia Trung Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi thời hạn của thỏa thuận ngừng bắn giữa Ankara và Washington chấm dứt.

Cả ông Putin và ông Erdogan đều nhấn mạnh rằng “các lực lượng nước ngoài” hiện đang triển khai bất hợp pháp tại Syria cần phải rời đi để Damascus ổn định trật tự. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các nước cần tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định biên bản ghi nhớ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đập tan “bất cứ trò chơi ly khai” nào được tiến hành ở quốc gia Trung Đông.

Tuy nhiên, tuyên bố là một chuyện, hành động ra sao lại là chuyện khác. Thỏa thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại sự ổn định cho khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, khẳng định vị thế của Ankara và Moscow, song cái giá phải trả có thể là sự toàn vẹn lãnh thổ của chính quyền Damascus và tồn vong của lực lượng người Kurd.

Hội nghị Yalta ở Trung Đông

Về ý nghĩa, ông Putin và ông Erdogan đã đúng khi cho rằng biên bản ghi nhớ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ về Syria là “một thỏa thuận lịch sử”. Song về mặt bản chất, đây thực ra là thỏa thuận song phương phân chia lãnh thổ và tầm ảnh hưởng, như những gì đã từng diễn ra năm 1945. 74 năm trước, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph D. Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tụ hội về thành phố Yalta, miền Nam Ukraine nhằm thảo luận về chấm dứt Chiến tranh Thế giới II, lập lại hòa bình, phân chia lại tầm ảnh hưởng và lãnh thổ các quốc gia bị chiếm đóng. Thỏa thuận 10 điểm vừa đạt được giữa Moscow với Ankara và vừa được công bố rộng rãi chẳng khác nào phân chia lại khu vực ảnh hưởng tại Syria, nên làm người ta liên tưởng tới một kiểu hội nghị Yalta mới.

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, vốn được triển khai ngày 9/10 dọc biên giới với Syria nhằm tấn công Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và YPG, vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Thứ hai, quân cảnh Nga và lực lượng biên cảnh Syria sẽ tới “khu an toàn” trải dài 30 km tại biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đảm bảo YPG sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi phạm vi 30 km từ đường biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 150 tiếng. Sau đó, Ankara và Moscow sẽ tuần tra chung về phía Đông và phía Tây biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khu vực với độ sâu 10km từ biên giới.

Thứ ba, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành hồi hương người tị nạn Syria, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nước đang tiếp nhận. Ankara và Moscow cũng nhấn mạnh rằng việc hồi hương cần được thực hiện một cách an toàn và trên tinh thần tự nguyện

Thứ tư, hiện trạng khu vực hiện tại sau chiến dịch Mùa xuân Hòa bình sẽ được duy trì. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ kiểm soát những khu vực mà nước này đã giành được trong chiến dịch Mùa xuân Hòa bình hai tuần vừa qua.

Người thua kẻ thắng

Như vậy, người thua kẻ thắng trong thỏa thuận song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria là khá rõ ràng.

Nga, từ chỗ là tay ngang năm 2011, đã dần trở thành nhân tố chủ chốt trên bàn cờ chiến lược tại Syria. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “bỏ mặc” lưc lượng người Kurd ở đây đã tạo cơ hội để ông Putin lấp đầy khoảng trống quyền lực để lại, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chi phối cục diện Syria. Tham gia tuần tra chung với quân cảnh từ Damascus và Ankara một lần nữa khẳng định sự hiện diện của Moscow tại quốc gia này.

Quan trọng hơn, nó sẽ củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi Tổng thống Donald Trump đang dành nhiều nguồn lực cho các vấn đề khác theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận trên là một thắng lợi toàn diện. Bằng cách tận dụng, phóng đại mối nguy đến từ người Kurd nhằm triển khai chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, chính quyền của ông Erdogan giờ đây đã danh chính ngôn thuận kiểm soát một phần lãnh thổ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga. Quan trọng hơn, nó còn góp phần tăng cường vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định vai trò của Ankara như một nhân tố không thể thiếu trên chiến trường Syria.

Thêm vào đó, thỏa thuận này còn hướng tới việc hồi hương người tị nạn nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nước đang tiếp nhận. Đây là một chiến thắng nữa cho Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đang là địa điểm trung chuyển lớn của người tị nạn và động thái này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ dễ thở hơn. Ngoài ra, Ankara có thể tận dụng điều khoản này nhằm thương thảo với Brussels, cam kết giải quyết vấn đề người tị nạn đang khiến Liên minh châu Âu (EU) khốn đốn để đổi lấy chiếc vé thành viên tổ chức này.

Trong khi đó, dù có đánh giá cho rằng Mỹ sẽ bị Nga thế chân tại Syria song từ lâu, Washington đã không mặn mà với việc duy trì lực lượng tại đây, khi lợi ích đang vơi dần. Động thái rút quân tại Syria và Iraq cho thấy Tổng thống Donald Trump đang làm tất cả để thực hiện lời hứa tranh cử, rút lính Mỹ về nước, lấy đó làm thành tích để chạy đua trở lại Nhà Trắng năm 2020.

Trong khi đó, Syria đang “nửa vui nửa buồn”. Điện đàm với ông Putin sau khi thỏa thuận được công bố, Tổng thống Bashar al-Assad đã cảm ơn và “bày tỏ hoàn toàn ủng hộ kết quả này”, nhấn mạnh các lực lượng biên phòng Syria sẵn sàng cùng quân cảnh Nga đến khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy lực lượng người Kurd ra khỏi khụ vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Co cụm tại Idlib và thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, tương lai của lực lượng người Kurd tại Syria thật sự sẽ rất mong manh.

Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận và đạt thỏa thuận về số phận của biên giới Syria mà không có sự góp mặt của Tổng thống nước này. Ông Bashar al-Assad chỉ được thông báo về kết quả cuộc gặp và chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận chuyện đã rồi.

Nhìn từ góc độ này, một lần nữa, người ta lại thấy dáng dấp thỏa thuận Yalta của thủa nào.