Thế giới đang phải đối mặt tình trạng già hóa dân số như một thách thức cho sự phát triển. (Ảnh minh họa. Nguồn: Eurasian Research Institute) |
Nhiều người lao động ở châu Âu trở nên ngại làm việc khi bắt đầu “có tuổi”.
Tại nước Anh, hàng trăm ngàn người lao động vào độ tuổi trung niên đã rời bỏ công việc sau những gián đoạn xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Ông Ian Woodbridge, 58 tuổi, cựu thủ quỹ và vợ là bà Liz Woodbridge, 59 tuổi, cựu giám đốc tiếp thị công nghệ đều từ chối các đề nghị làm việc từ công ty cũ.
“Không gì có thể lôi kéo tôi trở lại với bất kỳ loại công việc nào”, bà Liz khẳng định. Còn ông Ian cho biết, tuy tình trạng lạm phát ở Anh làm tăng chi phí hàng ngày của gia đình, nhưng không đủ để họ thay đổi suy nghĩ.
Đối với các chính phủ ở châu Âu, vấn đề lực lượng lao động bị thu hẹp do nhiều người đã hết tuổi lao động là một bài toán đau đầu, làm giảm năng lực kinh tế.
Hai nguyên nhân cơ bản
Thế giới đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Theo Liên hợp quốc, trong những thập niên sắp tới, thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số người cao tuổi. Cụ thể, theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số từ 60 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ đạt mức 2,1 tỷ người vào năm 2050.
Thế giới trong thế kỷ XXI đang ghi nhận tình trạng dân số già đi như là một trong những xu hướng quan trọng nhất. Cứ 8 người trên thế giới thì sẽ có 1 người ở độ tuổi 60 trở lên. Khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, tuổi thọ tiếp tục tăng thì số người già sẽ tăng lên.
Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng già hóa dân số. Thứ nhất, đây là kết quả tất yếu của xu hướng giảm sinh, đặc biệt khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, khiến số người cao tuổi trở nên nhiều hơn hẳn so với số trẻ em. Thứ hai, tuổi thọ trung bình tăng lên trên toàn cầu, dẫn đến sự già đi nhanh chóng của dân số toàn thế giới.
Theo Báo cáo tình hình xã hội thế giới năm 2023 của Liên hợp quốc, hiện tượng già hóa dân số diễn ra sớm nhất ở các nước có trình độ phát triển cao, nhưng có tốc độ gia tăng nhanh hơn ở các nước ít phát triển hơn. Hiện tại, châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất; trong khi đó Tây Á, Bắc Phi, và các nước châu Phi ở vùng cận Sahara dự kiến có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số lượng người cao tuổi trong ba thập kỷ tới.
Tại châu Âu, tỷ lệ người cao tuổi ở Italy đang tăng khi độ tuổi trung bình được nâng từ 43 lên 46 tuổi. Cơ quan Thống kê quốc gia Italia cho biết, dân số nước này có thể giảm gần 20% trong vòng năm thập niên tới do tỷ lệ sinh giảm.
Một quốc gia châu Âu khác là Thụy Điển cũng đang phải đối mặt với hiện trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, số người trên 80 tuổi ở nước này sẽ tăng lên khoảng 500.000 đến 800.000 người.
Tại châu Á, Nhật Bản là một trong số những nước có tỷ lệ dân số già cao của thế giới. Theo số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố, những người trên 65 tuổi hiện chiếm tới 29% tổng dân số nước này.
Tác động và giải pháp
Mặc dù tuổi thọ của con người tăng là minh chứng cho sự thành công trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe - dinh dưỡng, kinh tế và giáo dục, nhưng nó cũng trở thành thách thức đối với kinh tế và xã hội, và đòi hỏi những chính sách hợp lý của mỗi quốc gia.
Giới phân tích cho rằng lực lượng lao động là nhân tố quan trọng giúp các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực trạng già hóa dân số khiến nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho nền kinh tế. Già hóa dân số gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế, đồng thời đặt ra bài toán khó cho chính phủ các nước trong việc duy trì hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Chuyên gia kinh tế Shruti Singh của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh, nếu các nước không nhanh chóng hành động, sự suy giảm tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế.
Để khắc phục tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, thời gian gần đây các nước đã triển khai nhiều giải pháp. Chính phủ Nhật Bản vừa điều chỉnh cơ cấu bảo hiểm xã hội theo hướng tăng hỗ trợ sinh con và mức đóng bảo hiểm của người trên 75 tuổi, để giảm gánh nặng cho lực lượng lao động. Trợ cấp cho một lần sinh và chăm sóc con cái sẽ tăng lên 500.000 Yen thay vì mức 420.000 Yen hiện nay.
Đối phó với những thách thức đặt ra do thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều nước châu Âu đã nới lỏng các điều kiện nhập cư, song song với việc tăng lương và phúc lợi nhằm thu hút lao động từ nước ngoài.
Chính phủ Đức mới đây đã đồng ý với kế hoạch cải cách luật nhập cư, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách mở cửa thị trường việc làm cho các lao động từ ngoài EU. Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức nên thu hút thêm lao động nước ngoài và tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ và người lớn tuổi làm việc, để tránh tình trạng thiếu nhân lực, đồng thời tránh khủng hoảng cho hệ thống lương hưu trong tương lai gần.
Trong khi đó, chính phủ Thụy Điển chú trọng phát triển các giải pháp tích cực và hiện đại. Thụy Điển có chính sách khuyến khích các gia đình sinh thêm con thứ hai, ba, thậm chí bốn. Một chương trình được chính phủ Thụy Điển tài trợ dành cho các bậc cha mẹ tham gia nhận nuôi các trẻ em mồ côi ở châu Phi hay ở các nước đang phát triển. Nhờ chương trình này, số lượng trẻ em tại Thụy Điển sẽ nhiều lên, hứa hẹn số người sắp tham gia vào lực lượng lao động sẽ tăng.
Theo OECD, do những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe trên thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân và xu hướng “tuổi già khỏe mạnh” ngày càng tăng. Giáo sư Sarah Harper tại Đại học Oxford (Anh) cho rằng hầu hết những người ngoài 60 tuổi có học vấn đều có thể đóng góp cho nền kinh tế.
Sự đóng góp của người cao tuổi cho xã hội là vô giá, trong đó bao gồm việc truyền lại truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Người cao tuổi còn giữ vị trí quan trọng như những người lãnh đạo trong gia đình, nắm vai trò trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình và xã hội.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh, các nước nên chủ động thích ứng tình trạng già hóa dân số. Giới chuyên gia cho rằng, nếu có thể thúc đẩy sự đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển kinh tế - xã hội, gánh nặng về dân số già sẽ giảm bớt.
Tình trạng già hóa dân số vừa là thành tựu phát triển, vừa đặt ra thách thức lớn với sự phát triển. Tìm ra lời giải phù hợp cho bài toán khó này sẽ góp phần giúp các nước đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.