Hội thảo tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản, ngày 22/5/2022. |
Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên hùng vĩ, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2 , lớn thứ hai cả nước, dân số trên 1.541 người, gồm 44 dân tộc anh em cùng sinh sống có bề dày truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc…
Giàu tiềm năng, lợi thế
Tỉnh Gia Lai có 14 huyện, hai thị xã và một thành phố, có 220 xã phường, thị trấn; có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi để kết nối với bên ngoài theo các hướng; theo hướng Bắc - Nam có Quốc lộc 14, 14C, theo hướng Đông - Tây có Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có đường Trường Sơn Đông, có Cảng hàng không Pleiku, kết nối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng; có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh kết nối với tỉnh Ratanakiri, Campuchia.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Lào. Gia Lai còn sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển; có vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng nằm xen kẽ nhau, hình thành khí hậu đặc trưng của mỗi khu vực. Đây là lợi thế mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, phát triển đa dạng các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Gia Lai cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến như: rau, quả, cao su, cà phê, chè, mía, đường, nuôi trồng thủy sản… và cũng là điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng logistics và thương mại, xuất nhập khẩu. Với nguồn năng lượng từ nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, Gia Lai có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới mà kết quả thực hiện hai năm trở lại đây đã cho hiệu quả tích cực.
Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch tỉnh Gia Lai cũng đang được đánh thức. Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa ở độ cao 700-800m đã tạo cho Gia Lai những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, núi lửa Chư Đăng Ya, di tích lịch sử Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo (vừa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt), di tích khảo cổ thời đại đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá (khu di tích khảo cổ học chứng minh nơi có dấu vết con người đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam - từ thời kỳ đồ đá cũ, với niên đại trên dưới 80 vạn năm)… Và hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng hơn 413.115ha.
Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của hai dân tộc thiểu số chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội,… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận… kết hợp cùng chuỗi di tích lịch sử và các địa điểm tâm linh tôn giáo đặc sắc, đã tạo nên những thế mạnh riêng để Gia Lai phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư
Những năm qua, Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư chiến lược. Dòng vốn đầu tư khổng lồ của doanh nghiệp đã dẫn đến bùng nổ dự án đầu tư và kích hoạt sự phát triển của địa phương. Nếu trong giai đoạn 2011-2015, Gia Lai chỉ có hơn 110 dự án đầu tư, thì bây giờ đã thu hút được 589 dự án, với tổng vốn 820.000 tỷ đồng, tăng gấp sáu lần về số dự án và tăng 34 lần về vốn.
Vốn đầu tư của doanh nghiệp rót vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh Gia Lai như nông nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Gia Lai đã thu hút được 23 dự án trồng trọt, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; 103 dự án chăn nuôi, tổng vốn đầu tư khoảng 15.300 tỷ đồng; 44 dự án lĩnh vực chế biến, với tổng vốn đầu tư 13.666 tỷ đồng. Trong khi đó, du lịch Gia Lai đã thu hút được 15 dự án, với tổng vốn 7.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, ấn tượng nhất vẫn là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút hơn 40.000 tỷ đồng.
Qua khảo sát các nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác và sử dụng, tỉnh Gia Lai có thể phát triển các dự án điện mặt trời, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW; các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Chính vì vậy, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Hiện có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được doanh nghiệp đăng ký thực hiện với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 720.000 tỷ đồng. Năng lượng tái tạo đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng của Gia Lai.
Nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại tỉnh Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn như: Tập đoàn Golf Long Thành, Tập đoàn Thành Thành Công, Tập đoàn Trung Nam, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam (Tập đoàn Meiwa Nhật Bản)…
Năm 2021, dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng thu ngân sách của tỉnh Gia Lai vẫn đạt hơn 7.880 tỷ đồng; trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đạt trên 2.100 tỷ đồng. Ngoài ra, có 341 dự án thuộc các lĩnh vực khác được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư tại tỉnh Gia Lai, với khoảng 80.000 tỷ đồng.
| Gia Lai: Lớp học đặc biệt dành cho bà con dân tộc thiểu số huyện Ia Grai Khi Mặt trời dần khuất, ánh điện trong các buôn làng ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) bừng sáng là lúc ... |
| Độc đáo di sản âm nhạc của người Ba Na Sinh hoạt trên sàn gỗ, quây quần bên đống lửa bập bùng, khi chuếnh choáng với cơn say, những điệu nhạc, lời hát người Ba ... |
| Minh Khánh Gia Lai - Nơi gieo mầm thần dược nấm linh chi đỏ Tây Nguyên Nhận thấy nấm linh chi đỏ có tính ưu việt trong phòng và hỗ trợ bệnh một cách tự nhiên, hiệu quả, đồng thời tạo ... |
| 4 điểm đến không thể bỏ qua khi đến Gia Lai Với khung cảnh núi non hùng vĩ và phóng khoáng đậm chất Tây Nguyên, các điểm đến ở Gia Lai hiện nay vẫn giữ nguyên ... |
| Đánh thức Tây Nguyên Kon Tum và Gia Lai là hai trong số năm tỉnh của vùng Tây Nguyên đang nỗ lực tận dụng các tiềm năng khác biệt ... |