📞

Giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh, lạm phát tại Eurozone đạt kỷ lục mới

Việt An 18:37 | 31/05/2022
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5/2022, khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5/2022. Hình ảnh người mua sắm xếp hàng trước cửa hàng điện tử Saturn trên đại lộ Tauentzienstrasse ở Berlin, Đức. (Ảnh: Reuters)

Theo Eurostat, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên 8,1% trong tháng 5/2022 so với mức 7,4% trong tháng 4/2022. Đà tăng liên tục của giá cả đã gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

ECB cho biết, ngân hàng này có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7/2022 để kiểm soát đà tăng của lạm phát và dự kiến sẽ chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu sớm nhất vào tuần tới.

Với việc tăng lãi suất, ECB sẽ nối gót các các ngân hàng trung ương lớn khác đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tình trạng lạm phát lan rộng trên toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào đầu tháng Năm, trong khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất bốn lần liên tiếp.

Theo nhà kinh tế của ECB Philip Lane, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng, với một đợt tăng 25 điểm cơ bản trong tháng 7/2022 và một lần nữa vào tháng 9/2022.

Trước đây, ECB đã hạ thấp mối đe dọa từ tình trạng lạm phát, với nhận định giá tiêu dùng tăng vọt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã phá vỡ quan điểm này, khi chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng hơn.

Trong tháng 5/2022, giá năng lượng tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi giá thực phẩm tăng 7,5%.

Bên cạnh đó, nỗ lực của các nước phương Tây bao gồm cả Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, cũng sẽ có ảnh hưởng đến lạm phát.

Ngày 30/5, các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ lệnh cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga, sau khi đã đạt được thỏa hiệp với một số nước phản đối lệnh cấm trước đó.

Theo đó, các lãnh đạo EU đồng ý về một lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, qua đó cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga.

Hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics nhận định, lệnh cấm trên nhanh chóng tác động đến thị trường dầu đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro đối với lạm phát. Hãng này dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh trong quý II/2022, nhưng sẽ tăng chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2022.

Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ theo dõi chặt chẽ biến động của tiền lương do lo ngại việc tăng lương để giúp người lao động thích ứng với lạm phát, cũng có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao hơn.

Bất chấp những thách thức, nhà kinh tế Lane cho rằng, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của ECB trong trung hạn.

Ủy ban châu Âu trong tháng này đã hạ dự báo tăng trưởng Eurozone năm 2022 xuống 2,7%, đồng thời cảnh báo rằng triển vọng rất không chắc chắn do xung đột tại Ukraine.

(theo AFP)