Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp luật lao động để sẵn sàng trước các FTA thế hệ mới. |
Phân tích ý nghĩa của lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng khi quốc gia A (phát triển hơn) và quốc gia B (kém phát triển hơn) có quan hệ thương mại, việc lương của người lao động ở nước A cao hơn nước B là dễ hiểu, không phải là cạnh tranh không công bằng. Tuy nhiên, nếu nước B cho phép lao động chưa đủ tuổi tham gia sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong điều kiện làm việc không đảm bảo với mức lương thấp không thể chấp nhận được, trong khi nước A cấm việc này, thì đây có thể coi là cạnh tranh không công bằng, đi ngược lại các quy tắc đã thống nhất trên toàn cầu.
Cơ hội vàng với hệ thống công đoàn
Thế giới đã đạt được đồng thuận về các quyền cơ bản của người lao động, cần được tất cả quốc gia tôn trọng, bất kể trình độ phát triển ở mức nào. Sự đồng thuận này được quy định rõ trong Tuyên bố của ILO năm 1998 về Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động. Chương liên quan đến lao động của CPTPP và EVFTA nhằm thực thi các quyền này. Chương 19 về lao động của CPTPP dựa trên Tuyên bố năm 1998 của ILO, đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố năm 1998 với các điều kiện thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng.
Ông Chang-Hee Lee nhận định, Việt Nam đã công nhận nghĩa vụ này và thực hiện các bước để đáp ứng yêu cầu của CPTPP thông qua quá trình cải cách pháp luật lao động và thể chế. Trên thực tế, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp luật lao động trong quá trình tiến tới nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các FTA thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO, với nền tảng là: tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (công ước số 87 và 98); loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (số 29 và 105); xoá bỏ lao động trẻ em (số 138 và 182); xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (số 100 và 111). Việt Nam hiện chưa phê chuẩn ba công ước số 87, 98 và 105.
Chia sẻ về tác động của CPTPP và EVFTA đối với tổ chức công đoàn, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, các hiệp định yêu cầu tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố năm 1998 của ILO, đặc biệt là Công ước số 87 về tự do liên kết và Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể. Điều này yêu cầu công đoàn thực sự trở thành tổ chức của người lao động.
“Đây là cơ hội vàng đối với hệ thống công đoàn của Việt Nam để hiện đại hoá tổ chức và chức năng, nhằm đại diện tốt hơn cho tiếng nói của người lao động” - ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.
Điều chỉnh pháp luật theo yêu cầu hội nhập
Trước yêu cầu của hội nhập, ngày 29/5, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tính đến tháng 1/2019 đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước 98. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 cũng tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại phiên họp, tất cả các Bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98. Có ý kiến cho rằng cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước. Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Việc gia nhập Công ước 98 không những khẳng định quan điểm của Việt Nam trong thực thi cam kết liên quan đến lao động của CPTPP, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết EVFTA, mà còn thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc từng bước hiện đại hóa pháp luật, phù hợp với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.