📞

Giá tiêu hôm nay 11/6/2023, tiêu Việt lợi thế tại thị trường EU, thương lái và nông dân rút ra bài học sau nhiều lần va vấp

Hải An 07:59 | 11/06/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 11/6/2023, tiêu Việt có lợi thế tại thị trường EU, thương lái và nông dân rút kinh nghiệm sau nhiều lần va vấp. (Nguồn: Khmer Times)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 70.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (71.000 đồng/kg); Bình Phước (71.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.

Trên thị trường quốc tế, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Như vậy, thị trường hồ tiêu trong nước ghi nhận ngày giảm giá thứ 5 liên tiếp trong tuần này.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, trong tháng 5/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 2.315 tấn, trong đó tiêu đen đạt 2.206 tấn, tiêu trắng đạt 109 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 7,8 triệu USD, so với tháng 4 lượng nhập khẩu giảm 2,3%.

Tính đến hết tháng 5/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 12.499 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 11.610 tấn, tiêu trắng đạt 889 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái lượng nhập khẩu giảm 27,1% tương đương 4.642 tấn.

3 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam bao gồm: Brazil: 7.682 tấn, tăng 38,8% và chiếm 61,5% thị phần; Campuchia: 2.101 tấn, giảm 68,9% chiếm 16,8%; Indonesia: 1.592 tấn, giảm 45% và chiếm 12,7% thị phần.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu: Olam Việt Nam: 4.890 tấn, giảm 31,7% chiếm 39,1% thị phần. Tiếp theo là các doanh nghiệp Trân Châu: 1.867 tấn, tăng 23,5%; Nedspice: 1.490 tấn, tăng 204,7%.

Theo VPSA, hồ tiêu Brazil luôn cạnh tranh về giá hơn tiêu Việt Nam. Nhưng do Brazil đang gặp khó khăn, bị kiểm soát về vấn đề vấn đề nhiễm vi khuẩn Samonella ở thị trường EU nên hàng của Việt Nam tương đối cạnh tranh tại EU.

Gần đây để đa dạng thị trường, Brazil cũng đã dần xuất hiện tại Trung Đông và châu Phi với giá chào thấp hơn Việt Nam do có lợi thế về chi phí vận tải, vị trí địa lý. Trong khi đó một phần tập quán nông dân, DN, nhà mua thì thu hoạch là bán chứ không lưu kho nhiều, sẵn sàng hi sinh một phần lợi nhuận. Nên với lợi thế sản lượng vẫn thấp hơn Việt Nam, họ luôn bán dễ hơn và vì vậy giảm thiểu rủi ro nhiều hơn nếu có biến động thị trường.

Dự báo trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục bị Brazil cạnh tranh rất lớn về giá trên thị trường. Đó là chưa kể đến việc Brazil có thể tăng nhanh sản lượng, có thể có nhiều vườn tiêu trẻ trong khi tiêu của Việt Nam đang ở vào giai đoạn khai thác tuổi cây trung niên và cây già nhiều hơn là cây trẻ do tỷ lệ trồng mới rất ít trong những năm qua.

Theo VPSA, sau nhiều lần va vấp trên thương trường, các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu cũng đã có kinh nghiệm mua hàng. Còn với người nông dân, họ cũng có những mức giá mục tiêu riêng nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và trang trải cuộc sống gia đình.

Chi phí trồng tiêu hiện tại của người dân khoảng 63.000 đồng/kg. Đây là lý do tại sao mức giá này được xem là ngưỡng kháng cự vững chắc bởi nó đảm bảo cho người dân hoà vốn, họ chỉ bán ra khi giá ít nhất đạt ngưỡng này.

So sánh biến động giá từ đầu năm đến nay đã thấy sự giằng co giữa nông dân và thị trường. Người nông dân không có nhiều tiêu để bán ồ ạt, kể cả những hộ có nhiều hàng cũng không có ý định hạ giá.

Thái độ bán hàng của người trồng tiêu hiện rất cẩn trọng và không còn bán ồ ạt như những giai đoạn trước đây. Nhìn chung, quyền đàm phán giữa hai bên mua và bán trên thị trường hồ tiêu cũng rất cân sức.

(tổng hợp)