Giá tiêu thế giới hôm nay 1/2 tiếp tục đi ngang, ghi nhận lúc 0h15 ngày 1/2 (giờ Việt Nam), giao dịch ở 34.583.35 Rupee/tạ. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay ½ tiếp tục đi ngang theo 2 ngày trước đó, ghi nhận lúc 0h15 ngày 1/2 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giảm 83,35 Rupee/tạ (0,24%), giao dịch ở 34.583.35 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 28/1/2021 đến ngày 3/2/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 317,5 VND/INR.
Theo Tờ The Hindu Business Line, sản lượng tiêu năm 2020 của Ấn Độ ở mức 65.000-70.000 tấn so với 50.000-55.000 tấn năm 2019. Tuy nhiên, sang năm 2021, dự kiến sản lượng sẽ thấp hơn năm ngoái do một số cây trồng đã bị hư hại bởi thời tiết thất thường, trong khi những cây mới được trồng thì phải 2 năm sau mới bắt đầu được thu hoạch.
Kishore Shamji, Điều phối viên thuộc Hiệp hội Người trồng Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ, cho biết, năm 2020, trung bình một kg tiêu có giá khoảng 315 Rupee, giảm 20 Rupee so với năm 2019.
Theo chuyên gia này, chi phí sản xuất thực tế đắt đỏ hơn trong khi giá bán thấp hơn, sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn hàng nội địa đã buộc một bộ phận nông dân trồng tiêu chuyển sang trồng cây thảo quả. Việc tăng năng suất trồng tiêu cũng được nông dân Ấn Độ quan tâm hơn.
Mặc dù vậy, Rajiv Palicha, Chủ tịch Diễn đàn các nhà xuất khẩu gia vị toàn Ấn Độ, cho biết, sản lượng hồ tiêu năm nay sẽ tương đương năm ngoái vì vùng nguyên liệu ở Karnataka có thể sẽ được mùa.
Theo tính toán, mỗi năm, người dân Ấn Độ tiêu thụ khoảng gần 60.000 tấn gia vị các loại, trong đó có hạt tiêu.
Giá tiêu trong nước
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu tại thị trường trong nước vẫn duy trì mức ổn định 51.500 đồng/kg, tại Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ngưỡng cao nhất là 53.000 đồng/kg và thấp nhất ở Gia Lai và Đồng Nai hiện đang thu mua ở 51.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá cà phê được thu mua ở mức 51.500 đồng/kg; tại Gia Lai và Đồng Nai ở mức 51.000 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu giao dịch ở mức 53.000 đồng/kg; tại Bình Phước được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga cho hay, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 10 tháng năm 2020 đạt 8,14 nghìn tấn, trị giá 19,66 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga trong 10 tháng năm 2020 đạt mức 2.415 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga giảm từ nhiều thị trường cung cấp chính, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil, Ba Lan, Đức.
10 tháng năm 2020, Nga cũng tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số thị trường cung cấp chính, như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, nhưng giảm từ nhiều thị trường cung cấp khác.
Cụ thể, nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 15,54 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 74,7% trong 10 tháng năm 2020, cao hơn so với 68,56% thị phần trong 10 tháng năm 2019.
Nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ thị trường Ấn Độ trong 10 tháng năm 2020 đạt 991 tấn, trị giá 1,12 triệu USD, tăng 48,6% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 12,17% trong 10 tháng năm 2020, tăng so với 8,1% trong 10 tháng năm 2019.