Giá tiêu hôm nay 12/12, hồ tiêu nhập vào Việt Nam tăng hơn 48%, người ‘ôm’ hàng có 1 năm thất bát. (Nguồn: Pinterest) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 59.000 – 62.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 59.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (59.500 đ/kg) Đắk Nông, Đắk Lắk (60.500 đ/kg); Bình Phước (61.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 62.000 đ/kg.
Như vậy, tuần qua, giá tiêu giảm 500 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên, giảm 1.000 đồng/kg ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuần trước nữa, giá tiêu tăng 1.500 đồng/kg ở Gia Lai, tăng 1.000 đồng/kg tại những địa phương còn lại.
Kết thúc tuần, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tại 3.813 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 giữ nguyên mức 2.625 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok là 6.006 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen giao dịch ở 3.150 - 3.250 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.600 USD/tấn.
Theo IPC, thị trường tuần qua tiếp tục phản ứng trái chiều với giá tiêu nội địa Sri Lanka và giá tiêu đen quốc tế Malaysia được báo cáo giảm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch đạt 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 14,9% tương đương 37.015 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9% tương đương 34 triệu USD.
Xuất khẩu sang Mỹ 11 tháng giảm 12,2% đạt 48.822 tấn. Các thị trường truyền thống khác cũng có lượng nhập khẩu giảm như Trung Quốc giảm 51,4%, đạt 18.354 tấn; Saudi Arabia giảm 1,5% đạt 14.934 tấn; Đức giảm 19,5% đạt 9.036 tấn; Hà Lan giảm 20,3% đạt 7,458 tấn.
Ở chiều ngược lại, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, so với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu tăng 48,9% tương đương 11.256 tấn.
Theo các doanh nghiệp, thách thức tháng cuối năm 2022 với hồ tiêu còn rất nhiều. Trong đó phải nhắc đến việc tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc còn phức tạp, khó đoán khiến xuất khẩu tiêu sang nước này có thể khó khăn hơn, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát, suy thoái toàn cầu.
Ở trong nước, vốn vay khó khăn khiến giới đầu cơ thoát hàng, dòng vốn đổ về cà phê. Một lượng lớn vốn vẫn bị kẹt vào bất động sản, khi thời gian trước có thời điểm đầu cơ đua nhau bán hồ tiêu để ôm đất.
Năm 2022 không phải là năm tốt cho người trữ hồ tiêu.