📞

Giá tiêu hôm nay 22/3/2023: Xuất khẩu tăng về lượng, giảm về giá, sẽ không có chuyện đơn hàng ‘tấp nập’ như trước

Hải An 06:06 | 22/03/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 22/3/2023: Xuất khẩu tăng về lượng, giảm về giá, sẽ không có chuyện đơn hàng ‘tấp nập’ như trước. (Nguồn: thehindubusinessline)

Giá tiêuhôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 64.000 - 66.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 64.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (65.000 đồng/kg); Bình Phước (65.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 66.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Các chuyên gia nhận định, thị trường tài chính toàn cầu đón nhận những thông tin không mấy tích cực. Tuy nhiên, thị trường hồ tiêu hầu như không bị ảnh hưởng và tiếp tục tăng giá trong tuần qua với mức tăng 2,2%.

Nhu cầu tiếp tục tăng từ Trung Quốc và sự cải thiện từ các thị trường lớn như Mỹ và EU khiến thị trường sôi động hơn. Nhiều thông tin cho thấy nhiều khả năng trong tháng 3, Việt Nam sẽ xuất khẩu ít nhất 30.000 tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm lên ít nhất 70.000 tấn.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 40.814 tấn, trong đó tiêu đen đạt 37.310 tấn, tiêu trắng đạt 3.504 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 128,6 triệu USD, tiêu đen đạt 111,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 16,8 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong thời gian còn lại của quý I/2023.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, yếu tố đang lo nhất thời điểm hiện tại chính là tác động của suy thoái kinh tế tác động lên nhu cầu tiêu. Môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các công ty mua hàng.

“Hiện vẫn chưa thấy rõ tác động đối với ngành tiêu bởi sẽ mất thời gian để “ngấm”. Nhưng về lâu dài, nếu không ngăn chặn được sự sụp đổ domino của hệ thống ngân hàng quốc tế, tôi cho rằng ảnh hưởng đối với những nhà thu mua tiêu trên thế giới là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ theo dõi sát thị trường với thái độ khá dè dặt. Theo tôi, năm nay không có chuyện đơn hàng cấp tập như những năm trước”, bà Liên cho biết.

Theo thông lệ, trong quý I, các doanh nghiệp sẽ lo trả nợ đơn hàng đã ký trong quý IV của năm ngoái và đồng thời ký tiếp các hợp đồng mới. Những hợp đồng này buộc phải giao trong quý II trở đi.

Tuy nhiên, chuyện suy thoái kinh tế đều ảnh hưởng chi tiêu của người dân trên thế giới. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm ăn hàng kéo theo lượng tiêu thụ tiêu cũng sẽ giảm theo.

Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt về lượng trong hai tháng đầu năm nhưng giá tiêu xuất khẩu trung bình khoảng 3.177 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 9%. Trong đó, riêng trong tháng 2, giá tiêu chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, khoảng 3.006 USD/tấn.

(tổng hợp)