TIN LIÊN QUAN | |
Nguy cơ Chiến tranh Lạnh giữa nhiều cường quốc đã cận kề | |
Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria: Đại diện Syria tại LHQ kịch liệt lên án |
“Lằn ranh đỏ” - Yếu tố mới trong cân bằng quốc tế
Hành động quân sự này được giới hạn cả về quy mô lẫn phạm vi bởi vì bản chất của kế hoạch do Lầu Năm Góc thiết kế cũng như trọng tâm của thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải là nhằm lật đổ chế độ Assad. Thay vào đó, theo Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley, Mỹ muốn loại bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Tổng thống Assad đã từng sử dụng “ít nhất là 50 lần” với các dẫn chứng là nhằm vào thường dân ở Douma tuần trước cũng như ở Khan Sheikhoun hồi năm 2017.
Theo Phủ Thủ tướng Anh, đây là cách thức mà 3 cường quốc phương Tây quyết định hành động nhằm ngăn chặn “những tội ác như ở Douma xảy ra trở lại”. Kết quả là biến “lằn ranh đỏ” do cựu Tổng thống Barack Obama vạch ra hồi năm 2013, mà khởi đầu đã được Tổng thống Donald Trump thực hiện hồi năm 2017 với cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Assad, thành một lập trường chung. Đây là lý do tại sao các thủ đô Tây phương khác - từ Ottawa đến Jerusalem - lại ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Assad.
Kịch bản chính trị và quân sự đang diễn ra giải thích lý do tại sao Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lại công khai đề cập đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. (Nguồn: InfoShqip.com) |
“Lằn ranh đỏ” mà ông Trump, bà May và ông Macron theo đuổi trên thực tế đã trở thành một yếu tố mới trong sự cân bằng quốc tế vốn đang khá bấp bênh. Điều này có nghĩa là "những gia đình Syria bị tấn công bởi khí độc ở Damascus" biết rằng có ai đó đang quyết tâm bảo vệ họ. Điều này cũng có nghĩa các chế độ có vũ khí hủy diệt hàng loạt khác biết rõ những gì mà họ sẽ phải đối mặt nếu quyết định sử dụng các vũ khí này để tấn công người dân hoặc các nước láng giềng.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả.
Hai liên minh đối địch
Cuộc tấn công cũng nhằm mục đích đẩy Nga vào thế phòng thủ ở khu vực Địa Trung Hải. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin từng trở lại là một nhà lãnh đạo ở Trung Đông nhờ hành động can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9/2015 để giải cứu chế độ Assad, thì giờ đây ông bị Tổng thống Trump coi như là người bảo vệ “một kẻ tội phạm” do đã cung cấp cho đối tượng này các hệ thống phòng không, những đội quân đánh thuê và “tấm lá chắn” phủ quyết tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
Lý do không nằm ngoài việc ông đã liên minh với ông Assad và Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (các lực lượng đặc biệt của Iran đang hiện diện ở Syria cùng với nhiều vũ khí hiện đại, nhiều nhóm dân quân theo dòng Shi'ite), đồng thời tách Nga khỏi các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni mà Moscow đang "ve vãn".
Ông Trump đã đạt được kết quả đầu tiên theo hướng này khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng hoan nghênh cuộc tấn công Syria. Chỉ trong vòng hơn 24 giờ đồng hồ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi vai trò của mình, từ một đồng minh của ông Putin trong việc phân chia Syria chuyển sang thành người ủng hộ ông Trump trong cuộc tấn công nhằm vào ông Assad.
Sự ủng hộ của Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Qatar đối với cuộc tấn công Syria đã khiến bức tranh trở nên hoàn chỉnh. Ông Trump đang nỗ lực hàn gắn những vết thương giữa các quốc gia theo dòng Sunni, tìm cách đoàn kết những nước này để chống lại trục Moscow-Damascus-Tehran.
Điều này có nghĩa là Syria đang nhanh chóng trở thành chiến trường của hai liên minh đối địch: Những bên ủng hộ Assad được Moscow hậu thuẫn và các đối thủ của Assad do Washington hỗ trợ. Đây là lý do tại sao Tổng thống Putin đã công kích người đồng cấp Trump với việc gọi cuộc tấn công nhằm vào Syria là “hành động chống lại một quốc gia có chủ quyền”.
***
Kịch bản chính trị và quân sự trên giải thích lý do tại sao Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lại công khai đề cập đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Cuộc so găng với ông Assad là trung tâm của một trận đấu chiến lược giữa Mỹ và Nga.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Người Nga đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ ở bất kỳ đâu mà họ có thể". Đây là lý do khiến một cuộc “chiến tranh tiêu hao” giữa Washington và Moscow có thể xảy ra.
Rất có thể, đó là ở chiến trường Địa Trung Hải, với khả năng sẽ có những hành động quân sự hạn chế giống như cuộc tấn công mới đây nhằm vào Syria; hoặc là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm lớn hơn do căng thẳng đang gia tăng giữa Iran và Israel; đồng thời là ảnh hưởng không thể tránh khỏi trong các quan hệ quốc tế.
Syria ra tối hậu thư cho lực lượng IS gần Damascus Ngày 19/4, báo al-Watan thân Chính phủ Syria đưa tin các phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có 48 giờ để ... |
Tấn công Syria - ông Trump gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng? Có ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên quan tâm đến cuộc tấn công bất ngờ của liên quân do ... |
Cận cảnh Syria trong trận không kích đầu tiên của phương Tây vào sáng nay (14/4) Sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), thủ đô Damascus của Syria đã rung chuyển sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tiến hành ... |